Khi cho con bú, các bà mẹ sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn và em bé sẽ có cảm giác vô cùng khó chịu.Vì thế, bác sĩ Trần Vũ Quang đã chỉ ra 10 vấn đề các mẹ thường gặp và hướng khắc phục.
Chia sẻ với PV, bác sĩ Trần Vũ Quang cho biết: “Có 10 vấn đề thường gặp khi mẹ cho con bú mà không phải bà mẹ nào cũng biết và giải pháp khắc phục, tôi hi vọng với những giải pháp trên sẽ giúp cho các mẹ có thể khắc phục được những tình trạng khi cho con bú.
Đọc và hiểu, các mẹ sẽ cảm thấy việc cho con bú trở nên đơn giản, dễ chịu, thoải mái và thiêng liêng nhất. Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe”.
1. Đau núm vú
Một trong những khó khăn mà các bà mẹ thường gặp phải khi lăn đầu cho con bú đó là hiện tượng đau nhức đầu ti. Vị trí nằm không đúng của trẻ trong lúc bú là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng núm vú bị đau. Do đó, nếu mẹ vẫn bị đau kéo dài hơn một phút khi cho bé bú, hãy thử kiểm tra tư thế của cả hai mẹ con.
Cách giải quyết: Cố gắng đặt miệng của bé đối xứng với núm vú và đảm bảo diện tích vú bé ngậm vào nghiêng hơn về phía trước. Nếu bé đang bú sai vị trí, đầu tiên hãy đặt ngón trỏ vào miệng bé để từ từ đưa bé ra khỏi núm vú. Giữ cằm bé hoặc chờ cho tới khi bé ngáp để đưa lại núm vú vào miệng em bé.
Khi bé đã ở đúng tư thế, cằm và mũi bé phải chạm được vào ngực mẹ và mẹ có thể nhìn thấy núm vú của mình hoặc phần quầng vú phía dưới miệng bé. Nếu trường hợp vị trí bú của bé chuẩn mà mẹ vẫn thấy đau núm vú thì rất có thể núm vú của mẹ bị khô. Lúc này, mẹ nên mặc các loại quần áo rộng và tránh rửa núm vú bằng xà phòng.
2. Núm vú bị nứt
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc núm vú bị nứt như da khô, hút sữa không đúng cách. Trong tuần đầu tiên cho bé bú, núm vú của mẹ có thể bị nứt hoặc chảy máu khi bé chưa bám ti tốt.
Cách giải quyết: Kiểm tra tư thế bú của bé, cần đảm bảo cho bé bú ở tư thế mà mẹ có thể nhìn thấy núm vú của mình hoặc phần quầng vú phía dưới miệng bé. Ngoài ra, hãy cố gắng cho bé bú thường xuyên trong thời gian ngắn. Khi bé ít đói, lực bú của bé sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trước vấn đề này, các mẹ đừng cố gắng điều trị núm vú của mình bằng bất cứ loại hóa chất nào khác như xà phòng, nước rửa, nước hoa… bởi nó sẽ ảnh hưởng tới dòng sữa của mẹ, mẹ chỉ nên rửa núm vú bằng nước sạch hoặc bôi sữa non rồi để khô tự nhiên. Các mẹ cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như acetamino-phen hoặc ibuprofen 30 phút trước khi cho bú. Ngoài ra một cách hữu hiệu nữa là hút sữa ra cho bé bú hoặc dùng miếng dán bảo vệ đầu ngực để tránh tình trạng bé nhai vú gây nứt da.
3. Tắc sữa
Đây là một vấn đề phổ biến khác khi các bà mẹ cho trẻ sơ sinh bú. Nguyên nhân có thể là do người mẹ trước đó đã mặc áo nịt ngực quá chật khiến núm vú thụt vào trong, không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết, hoặc do vệ sinh vùng ngực hoặc đầu nhũ hoa không sạch. Hoặc không day để cho sữa trong ống dẫn sữa ứ đọng mà tắc sữa.
Cách giải quyết:- Các mẹ cần phát hiện tắc tia sữa càng sớm càng tốt để nhanh chóng tìm cách đánh tan sữa đã vón kết và hạn chế sự đông vón mới mà không làm tổn thương các nang và ống dẫn sữa khác.
- Các mẹ thử sử dụng phương pháp mát xa kích sữa cho bầu ngực hoặc sử dụng máy hút sữa để hút hết lượng sữa thừa. Tắc sữa không gây hại cho bé bởi sữa mẹ có kháng sinh tự nhiên, nhưng những vấn đề nó gây ra có thể khiến mẹ khó chịu trong sinh hoạt thường ngày.
4. Ngực bị căng sữa/quá nhiều sữa
Việc bộ ngực của mẹ thấy bị căng tức và nặng nề trong vài tuần đầu tiên là điều bình thường, nhưng nếu mẹ thấy ngực mình khó chịu hơn sau thời gian đó, đặc biệt, ngực trở nên đau cứng và không thoải mái thì rất có thể mẹ đang bị ứ sữa. Khi mẹ căng sữa sẽ khiến cho ngực bị cứng, gây khó khăn cho việc bám ti của em bé.
Cách giải quyết: Cho con bú thường xuyên từ 8 đến 12 lần một ngày với cả hai ngực. Mẹ đừng bỏ lần bú nào của con và tiếp tục cho bé bú cả đêm lẫn ngày. Hãy chắc chắn bé được nằm ở vị trí chính xác và được núm vú đúng cách, giúp ngực mẹ tiết hết ra sữa. Ngoài ra, mẹ hãy dùng một chút nước làm mềm núm vú trước khi cho bé bú. Có thể kết hợp mát xa bầu ngực để sữa xuống nhanh và tự nhiên hơn.
5. Chứng viêm vú
Viêm vú là một bệnh gây ra bởi vị khuẩn ở ngực với các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau ngực. Hiện tượng này khá phổ biến trong vài tuần sau sinh (và khi cai sữa) do da bị rạn, tắc sữa hoặc tức sữa.
Cách giải quyết: Ở trường hợp này, cách duy nhất là điều trị các nhiễm trùng bằng kháng sinh, chườm nóng và quan trọng nhất là giải phóng sữa. Mẹ nên dùng tay xoa bóp để làm mềm ngực và dịu các vết sưng đỏ sẽ giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu hơn và cứ cho con bú như bình thường để giải phóng sữa.
6. Chứng nấm miệng ở trẻ
Nhiễm trùng nấm men trong miệng bé có thể lay sang ngực mẹ, nó gây ra hiện tượng ngứa liên miên, đau nhức và có thể dẫn đến phát ban.
Cách giải quyết: Mẹ nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc và giải pháp hữu hiệu nhất. Nếu như hai mẹ con không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây nhiễm chồng chéo và khó khăn hơn trong việc chữa trị.
7. Ít sữa
Nếu mẹ bị ít sữa hãy cho bé bú thường xuyên hơn và dùng tay xoa bóp ngực để tăng thêm lượng sữa mẹ bởi con bú sữa mẹ là một quá trình giống như cung – cầu, bé càng bú nhiều thì cơ thể mẹ sẽ tự động tiết ra thêm sữa.
Cách giải quyết: Mẹ nên uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh, bổ sung chất dinh dưỡng và các thực phẩm lợi sữa để giúp mẹ có thể tăng nguồn sữa cung cấp cho con hơn.
8. Bé ngủ khi bú sữa
Trong vài tháng đầu bé ngủ nhiều là điều hết sức bình thường, không chỉ vậy mà bé còn ngủ ngay trong khi bú mẹ.
Cách giải quyết: Khi mẹ thấy con bắt đầu mút nhẹ hoặc mắt lim dim nhắm lại thì hãy từ từ đưa miệng con ra khỏi đầu núm vú và mẹ có thể thử kích thích bé bằng cách cù chân, nói chuyện nhẹ nhàng, xoa lưng cho con sau đó chuyển sang bên ngực còn lại. Thời gian sau bé sẽ thức lâu hơn nên mẹ không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề này.
9. Núm vú phẳng hoặc lõm
Núm vú phẳng hoặc lõm gây khó khăn cho con bú.
Cách giải quyết: Mẹ có thể khắc phục được bằng việc dùng dụng cụ hút để sữa chảy ra trước khi đặt vào miệng bé và mẹ cũng có thể sử dụng núm vú hỗ trợ cho con bú nếu bé khó khăn khi đặt miệng vào đầu vú mẹ.
10. Đau ngực
Ngực của bạn hoạt động giống như một cái máy – khi cho con bú, các bộ phận còn lại sẽ được kích thích để tiếp tục tiết sữa. Đôi lúc điều đó sẽ khiến mẹ cảm thấy đau đớn, khó chịu đặc biệt là với các mẹ nhiều sữa, một số mẹ còn có cảm giác như bị kim châm, cảm thấy đau nhức.
Cách giải quyết: Nếu mẹ có cảm giác như bị kim châm chuyển thành ngứa ran như bị vật gì đâm vào ngực thì mẹ cần phải kiểm tra xem có bị nhiễm trùng nấm hoặc vi khuẩn không? Thông thường đây là hiện tượng khi cơ thể mẹ đang tiết ra quá nhiều sữa, mẹ hãy thử cho con bú lâu hơn ở một bên ngực và chuyển bên khi thấy cần thiết.