Trong cuộc sống hàng ngày, không khó tránh khỏi những lúc cha mẹ lơ là, khiến con trẻ vô tình bị bỏng. Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ khi trẻ bị bỏng.
Theo bác sĩ Anh Tú (bác sĩ đa khoa tại một phòng khám ở Hà Nội) cho biết, bỏng là một trong những tai nạn thường gặp nhất trong đời sống hàng ngày. Trẻ em luôn là đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất của bỏng. Tỷ lệ trẻ em bị bỏng chiếm từ 32% tới 65,8% tổng số tai nạn bỏng. Bỏng không những gây ảnh hưởng trước mắt mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho trẻ em.
Khi trẻ bị bỏng, bác sĩ Anh Tú đưa ra lời khuyên: “Cần nhanh chóng tách trẻ em khỏi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng: Dập lửa cháy, cắt nguồn điện, kéo lên khỏi hố vôi, nhấc chân ra khỏi nồi nước canh...
Sau khi đưa trẻ khỏi nơi nguy hiểm, phụ huynh cần nhanh chóng cởi bỏ, hoặc cắt quần áo ở nơi có vết bỏng. Đồng thời, ngâm rửa phần bị bỏng vào nước sạch hoặc cho trẻ vào trong chậu tắm, bồn tắm dưới vòi nước lạnh trong vòng 10-20 phút (lưu ý ngâm rửa phần bỏng cho trẻ càng sớm càng tốt).
Bác sĩ Anh Tú cho hay: “Nếu trẻ bị bỏng điện, ngay sau khi tách khỏi dòng điện cần kiểm tra ngay xem trẻ có bị ngừng tim, ngừng hô hấp không để tiến hành sơ cứu kịp thời (kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo).
Sau khi sơ cứu, quấn phủ lên vùng bỏng mảnh vải sạch, khăn bông sạch, băng ép nhẹ bằng băng vô khuẩn. Cố gắng bảo vệ vết bỏng không để nhiễm bẩn, không làm tuột hay lột da nơi bị bỏng.
Tránh bôi bất cứ chất gì khi vết bỏng chưa sạch. Nếu có sẵn thì phun Pathenol, đắp thuốc Silver Sulfadiazine lên vết bỏng sau đó băng lại.
Công tác xử trí ngay sau bỏng cần tiến hành đồng thời với lời lẽ an ủi, vỗ về trẻ. Không được quát mắng dọa nạt dễ làm trẻ càng sợ hãi. Cho trẻ uống các dịch thể có điện giải và đường như oresol, nước cháo có đường và muối...
Trong mọi trường hợp, ngay sau khi tiến hành các thao tác trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất”.
Một số chú ý khi xử lý vết bỏng
Rất nhiều người cho rằng khi bị bỏng thì nhanh chóng bôi kem đánh răng vào vết bỏng để làm dịu và trị bỏng nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Tuyệt đối không được bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như muối, mỡ trăn, kem đánh răng, nước mắm… điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, dễ bị viêm nhiễm nặng hơn, khó khăn hơn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Nếu vùng bỏng lớn, không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
Nhiều người bị bỏng nhưng không tới bệnh viện mà điều trị đông y bằng thổi hương, đắp lá, cúng bái… Điều này, hoàn toàn không có tác dụng mà lại gây nguy hiểm cho bệnh nhân, tốn kém hơn rất nhiều.