Khóc đêm là hiện tượng phổ biến ở nhiều trẻ em nhưng luôn khiến các mẹ lo lắng. Dưới đây là các mẹo chữa chứng khóc đêm cho trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm dân gian, các mẹ có thể áp dụng và tự đánh giá hiệu quả.
- Gợi ý những cách chế biến táo cho bé ăn dặm ngon khó cưỡng
- Cách làm bánh ăn dặm cho bé không cần lò nướng thơm ngon khó cưỡng
1. Tại sao trẻ lại khóc đêm?
Tuy là hiện tượng phổ biến nhưng khóc đêm cũng là dấu hiệu cảnh báo 1 số bệnh khiến cơ thể trẻ khó chịu. Vậy trước khi tìm hiểu về các mẹo chữa khóc đêm cho trẻ sơ sinh thì chúng ta cùng đi “mổ xẻ” nguyên nhân trẻ khóc đêm do đâu cũng như lời cảnh báo về sức khoẻ nhé. Khóc đêm là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, ban ngày trẻ vẫn bình thường nhưng lại khóc vào ban đêm. Dân gian thường gọi là "khóc dạ đề". Trẻ sơ sinh khóc đêm khiến các bà mẹ cảm thấy mệt mỏi đồng thời còn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình. Chính vì vậy, từ xa xưa ông cha ta đã có các mẹo chữa trẻ khóc đêm rất lạ mà lại hiệu quả.
Theo Đông y: Hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, gọi là chứng "Tiểu nhi dạ đề". Đêm đến là trẻ bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, ngủ không yên; hoặc trẻ đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Phần nhiều trẻ khóc từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, có trường hợp thì trẻ khóc lè nhè suốt đêm. Có thể dùng mẹo dân gian chữa khóc đêm cho trẻ sơ sinh.
Theo y học hiện đại: Hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một yếu tố nào đó làm nhu động ruột tăng lên, không đều, gây đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì thôi.
2. Triệu chứng cần biết khi trẻ khóc đêm
2.1. Khi nào chứng khóc về đêm của trẻ là bình thường?
Trường hợp trẻ hay khóc đêm là một biểu hiện sinh lý bình thường và được dân gian gọi là khóc dạ đề hay khóc dã tràng. Mỗi đêm, trẻ thường có biểu hiện như trăn trở, khó chịu, quấy khóc không ngủ hoặc cũng có thể giật mình thường xuyên trong lúc ngủ rồi khóc thét.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, chứng khóc dạ để xuất hiện ở trẻ sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác hay phương pháp điều trị cụ thể nào. Sau khi trẻ đủ 3 tháng tuổi thì sẽ tự ngừng khóc mà không cần bất kỳ một phương thức điều trị nào.
Hầu hết trẻ sẽ khóc vào buổi chiều tối ở một khung giờ nhất định. Không ai có thể định nghĩa được cụ thể chứng khóc dạ đề này của trẻ. Trẻ khóc liên tục và hay ré lên như tiếng hét, dường như không thể nào làm ngưng cơn khóc cho đến khi trẻ tự nín. Thường mỗi lần khóc sẽ kéo dài trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Hiện nay, có khoảng 30% trẻ trong độ tuổi từ 1 tuần đến 3 tháng tuổi mắc chứng khóc dạ đề. Dù phổ biến nhưng đây vẫn là một bí ẩn đối với nền y học vì chưa thể nào lý giải được vì sao trẻ hay khóc đêm.
Nếu trẻ hay khóc đêm hoặc khóc dạ đề liên tục và kéo dài sẽ không chỉ có những tác động tiêu cực đến cơ thể trẻ mà bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến tâm lý của cha mẹ vì thường xuyên thức đêm, lại còn lo lắng cho tình trạng của con mỗi đêm.
2.2. Khi nào chứng khóc về đêm của trẻ là bất thường?
Không phải lúc nào trẻ khóc mỗi đêm cũng là hiện tượng bình thường. Các cha mẹ có con nhỏ thường xuyên khóc về đêm cần đặc biệt chú ý và phải kiểm tra tình trạng của trẻ vì có thể trẻ đang khóc do cơ thể có những bất thường, khó chịu của một số bệnh lý mắc phải.
a. Trẻ khóc do những thay đổi về thể chất và môi trường
Với những trẻ trong giai đoạn vừa lọt lòng mẹ có thể quấy khóc, khó ngủ, khóc về đêm do những thay đổi bất ngờ giữa môi trường trong bụng mẹ và môi trường ngoài. Sự khác nhau giữa hai môi trường khiến cơ thể non nớt của trẻ không kịp thích nghi nên sinh ra những khó chịu.
Trẻ dưới 2 tuổi rất khó có thể nói được những khó chịu của cơ thể hay nhu cầu của bản thân do chưa thể nhận thức được mọi thứ xung quanh. Nhiều trường hợp trẻ quấy khóc có thể do cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh, trẻ bị đói, đầy bụng, đau hay tã bị ướt,...
Những trẻ mới sinh thường được một người cưng chiều, cưng nựng nhiều, một ngày trẻ phải thường xuyên vận động hoặc tiếp xúc với nhiều người khác nhau khiến cơ thể mệt mỏi. Điều này cũng có thể làm trẻ hay khóc đêm nên cha mẹ cần chú ý, tránh để trẻ tiếp xúc hay vui chơi quá nhiều vào ban ngày.
b. Trẻ khóc do những yếu tố về tinh thần
Hệ thần kinh ở trẻ vô cùng nhạy cảm, nhất là giai đoạn mới sinh. Những tác động thông thường vào ban ngày cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Đôi khi trẻ bị giật mình vào ban đêm sẽ không nhìn thấy điều gì trong bóng tối gây ra những sợ hãi. Hoặc cũng có thể trẻ thức do gặp ác mộng hay những buồn bực còn vương lại từ ban ngày, do vui chơi quá phấn khích. Lúc đó, cha mẹ cần phải ở bên cạnh và vỗ về để trẻ có cảm giác an toàn và yên tâm để trở lại giấc ngủ.
c. Trẻ khóc do một số bệnh lý
Trẻ không thể nào nhận thức được những căn bệnh của cơ thể do đó những bất thường hay khó chịu thì triệu chứng đầu tiên nhận biết chính là trẻ quấy khóc. Một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, co thắt vùng bụng,... sẽ khiến trẻ khóc nhiều hơn. Đi kèm với khóc là trẻ trằn trọc, khó chịu hay khóc to hơn khi chạm vào vùng bụng, trẻ co rút người.
Hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, nguồn dinh dưỡng chủ yếu là từ sữa mẹ. Do đó mà khẩu phần ăn của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa của trẻ. Nhiều loại thực phẩm như trứng, sữa, lúa mì, các loại ngũ cốc,... có thể khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Nếu trẻ bú sữa xong có các triệu chứng như nôn ọe, tiêu chảy, không chịu bú thì mẹ nên chú ý thay đổi khẩu phần ăn hay thay đổi sữa đối với trẻ đang uống sữa công thức.
Ngoài ra trường hợp trẻ mọc răng, bị loét miệng, da bị dị ứng,... cũng có thể dẫn đến chứng chứng khóc về đêm. Da trẻ em rất dễ phản ứng với các tiếp xúc bên ngoài, do đó mẹ cần phải thường xuyên kiểm tra xem bé khóc có phải do các vấn đề trên da hay không, nhất là sau khi trẻ tiếp xúc với người lạ, da mẹ sau khi xông hơ hoặc khi thay tã mới.
3. Mẹo chữa khóc đêm cho trẻ sơ sinh
Trẻ thường khóc kéo dài từ 5 phút đến 30 phút và có thể lặp lại hằng đêm, ban ngày trẻ vẫn ăn và ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Nếu không phải dấu hiệu bệnh lý, các mẹ có thể áp dụng những mẹo chữa khóc đêm ở trẻ sơ sinh sau đây..
3.1. Cỏ bờ giếng
Trẻ sơ sinh khóc đêm nhiều có thể dùng cỏ ở bờ giếng, hoặc rơm hay cỏ lót ổ gà đẻ ngầm đặt dưới chiếu nằm không để cho người mẹ biết. Đây là cách chữa mẹo giúp trẻ hết khóc đêm được các bà mẹ tin dùng.
3.2. Lá trà tươi
Khi trẻ khóc đêm dai dẳng, các mẹ chỉ cần dùng 1 nhúm nhỏ lá trà tươi (chè non), loại lá nhỏ, rửa sạch, nhai nhuyễn rồi mẹ đặt vào rốn của trẻ sau đó lấy băng quấn lại.
3.3. Cây trúc đùi gà
Một mẹo hay nữa để chữa chứng khóc đêm ở trẻ đó là dùng 1 cây trúc đùi gà hay còn gọi là Trúc ống điếu, Trúc quan âm, chặt lấy 3 đoạn ngắn đặt lén ở chỗ trẻ ngủ đừng cho ai biết. Trẻ sẽ hết khóc đêm.
3.4. Hạt bìm bìm
Các mẹ cũng có thể dùng hạt bìm bìm khoảng 4 gram, tán nhỏ, hòa với nước, sau đó bôi vào rốn trẻ, làm như vậy cũng giúp trẻ hết chứng khóc đêm. Các bạn có thể hỏi mua hạt bìm bìm ở các cửa hàng thuốc Đông y.
3.5. Củ gừng tươi
Gừng tươi 5g, đường đỏ 15g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.
3.6. Con tằm
Tại những nơi nuôi tằm, nên nhặt lấy những con tằm tự nhiên bị chết cứng (do bị nhiễm một loại khuẩn), cong queo, màu trắng nhờ hay hơi lốm đốm trắng, đem sấy khô, cất vào lọ nút kín dùng dần. Khi trẻ khóc đêm, mẹ lấy vài con tằm giã nát hòa với chút rượu, hơ cho ấm rồi đắp vào hai gan bàn chân của trẻ sau đó dùng băng quấn cố định lại. Cách làm này thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề.
3.7. Lá trầu không
Dùng vài lá trầu không già rửa sạch để ráo nước sau đó đem hơ trên lửa rồi đắp lên bụng và trán cho trẻ sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn. Lá trầu có tác dụng làm ấm, sát khuẩn giúp trẻ hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Các mẹ cần lưu ý nên để lá nguội bớt mới đắp lên da cho trẻ tránh để trẻ bị bỏng.
3.8. Quả bồ kết
Các mẹ có thể dùng vài quả bồ kết khô nướng để xông khói trong phòng khu vực giường trẻ nằm ngủ. Hơi nóng và khói của bồ kết nướng sẽ giúp làm ấm căn phòng và xua tan đi những luồng khí xấu. Ngoài ra, khói bồ kết còn có tính sát khuẩn nên sẽ giúp không khí sạch hơn, hạn chế những bệnh về đường hô hấp.
Lưu ý cho các mẹ khi thực hiện phương pháp này là cần đưa trẻ ra khỏi phòng sau đó mới xông khói và để trẻ vào ngủ khi khói đã tan bớt.
3.9. Củ tỏi
Tỏi có tính sát trùng cao nên khi để vài nhánh tỏi trên đầu giường bé ngủ sẽ giúp hạn chế phần nào vi khuẩn xâm nhập giúp bé ngủ ngon giấc hơn.
Ngoài theo dân gian ra, đây còn là một phương pháp tâm linh giúp trẻ xua đi những “vía dữ”.
>>> Xem thêm:
- Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon không khóc đêm
- Bé 2 tuổi hay giật mình khóc đêm phải làm thế nào?
4. Cách chữa khóc đêm cho trẻ sơ sinh mà bố mẹ có thể áp dụng ngay lập tức
Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia, bác sĩ nhi đầu ngành giúp các bậc cha mẹ hạn chế được biểu hiện trẻ hay khóc đêm:
- Trước tiên, cha mẹ cần phải bình tĩnh và nhanh chóng tìm hiểu vì sao trẻ lại khóc. Trường hợp trẻ khóc do những bất thường của cơ thể như sốt, đói, no, lạnh, nóng, ngủ mơ, ác mộng,... thì chỉ cần tìm cách khắc phục để trẻ cảm thấy dễ chịu và sẽ ngừng khóc.
- Mỗi khi con khóc, mẹ nên ẵm con vào ngực để trẻ ngửi thấy mùi cơ thể mẹ, tạo cảm giác an toàn cho trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn quá no hay bú quá nhiều vào mỗi tối nhất là trước khi ngủ.
- Giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, thường xuyên thay tã mới sau khi trẻ đi tiểu hay đại tiện.
- Giường và ga trải giường phải sạch sẽ, tránh sử dụng các loại bột giặt, nước xả gây kích ứng da trẻ.
- Tập trẻ một lối sống khoa học và đúng giờ trong ăn uống, đại tiểu tiện, vui chơi, ngủ nghỉ.
- Không nên để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày khiến buổi đêm trẻ khó ngủ.
- Tránh các hoạt động vui đùa quá mức hoặc nói to, ồn ào khiến trẻ giật mình.
Không có cha mẹ nào không thấy xót ruột và đau lòng khi trẻ hay khóc đêm, do đó không ít người tìm kiếm các các mẹo chữa khóc đêm cho trẻ sơ sinh để hạn chế cơn khóc thét của con. Đối với các phương pháp dân gian, cha mẹ phải đặc biệt chú ý hỏi ý kiến bác sĩ trước vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.