8 căn bệnh về da phổ biến trẻ sơ sinh nào cũng dễ mắc, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý

Chăm sóc con 25/04/2019 05:30

Làn da mỏng manh, nhạy cảm của trẻ sơ sinh khiến trẻ rất dễ mắc các chứng bệnh về da. Cha mẹ hãy tìm hiểu những căn bệnh thường gặp để có hướng xử trí phù hợp nhé.

Trẻ sơ sinh có làn da vô cùng nhạy cảm, đó là lí do tại sao trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về da. Mặc dù một số bệnh tương đối hiếm gặp nhưng đa số bệnh xuất hiện phổ biến và sẽ tự hết mà không cần điều trị.

Khoảng 30 đến 40 phần trăm trẻ sinh có mụn thịt bẩm sinh, có thể màu trắng hoặc màu vàng có mụn nước trắng xuất hiện trên mặt và thường biến mất sau vài tuần.

Hãy làm sạch và lau khô những nếp gấp trên da, đặc biệt là phía sau tai và ở ngấn cổ bởi đó là những nơi có độ ẩm cao và dễ xuất hiện các bệnh về da. Đây là những bệnh mà các mẹ cần chú ý quan sát nếu con mình mắc phải.

1. Chứng xanh tím đầu chi (Acrocyanosis)

8 căn bệnh về da phổ biến trẻ sơ sinh nào cũng dễ mắc, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý - Ảnh 1

Đây là tình trạng tay chân trẻ bị màu xanh, thường xảy ra khoảng một vài giờ sau sinh. Bác sĩ Low Kah Tzay, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện nhi đồng quốc tế Anson, cho rằng bệnh xanh tím đầu chi sẽ nguy hiểm nếu nó khiến tuần hoàn máu chậm khi đến một giới hạn nào đó. Nếu mặt và môi trẻ chuyển màu xanh, hãy gọi bác sĩ kiểm tra cho trẻ ngay.

2. Hồng ban dưới da ( Mottling)

Khi sinh ra, làn da của trẻ có thể bị hồng ban dưới da do mạch máu ngay dưới lớp trên cùng của da bị vỡ. Những vết này thường trông giống như mạng nhện hoặc hoa văn của các viên bi ve. Những vùng đỏ trắng lấm tấm đan xen xuất hiện khi tuần hoàn máu kém hoặc trẻ bị lạnh. Hồng ban dưới da cũng xuất hiện nếu trẻ bị ốm. Rất may là tình trạng này sẽ tự hết mà không cần điều trị.

3. Bệnh vàng da

8 căn bệnh về da phổ biến trẻ sơ sinh nào cũng dễ mắc, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý - Ảnh 2

Khi gan của trẻ chưa phát triển đủ để loại bỏ lượng bilirubin dư thừa sẽ gây ra tình trạng vàng da. Bilirubin là sắc tố màu vàng da cam, chất thải của quá trình vỡ hồng cầu trong máu.

Bệnh vàng da biểu hiện là da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng. Những trẻ sinh non (sinh khi chưa được 37 tuần tuổi) và một số trẻ bú sữa mẹ cũng có nguy cơ mắc bệnh vàng da.

Hàm lượng bilirubin cao có thể gây hại cho trẻ, gây ra hội chứng có tên gọi kernicterus (tổn thương não do vàng da nặng). Nếu không được điều trị có thể để lại những di chứng tổn thương não nặng nề. Trị liệu bằng ánh sáng và thường xuyên cho ăn có thể giúp trẻ thải bớt bilirubin qua phân.

4. Ban đỏ nhiễm độc

Ban đỏ nhiễm độc là bệnh về da thường thường gặp ở trẻ sơ sinh trong khoảng 1, 2 tuần đầu đời. Những mảng đỏ xuất hiện trên cả mặt và cơ thể, có thể có mụn mủ ở giữa những mảng ban đỏ. Tình trạng này thường tự biến mất sau một vài tuần mà không cần điều trị. Tuy có tên là ban đỏ nhiễm độc nhưng tình trạng này không gây hại gì đến trẻ nên chỉ cần cho trẻ đi khám nếu trẻ bị sốt.

5. Mụn sữa

8 căn bệnh về da phổ biến trẻ sơ sinh nào cũng dễ mắc, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý - Ảnh 3

Mụn sữa có liên hệ mật thiết với hooc môn mà trẻ thừa hưởng từ mẹ trong thai kì. Tình trạng có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, nhưng không cần điều trị.

6. Viêm da tiết bã ("cứt trâu" trên đầu)

Hiện tượng lớp vảy dày, màu vàng, nhiều dầu xuất hiện trên đầu trẻ được gọi là viêm da tiết bã, hoặc "cứt trâu" như cách gọi dân gian. Trẻ cũng có thể bị ban đỏ trên mặt, sau tai, trên cổ và dưới nách.

Tình trạng này hoàn toàn vô hại, nguyên nhân là do da tiết quá nhiều dầu, có thể là vì dư thừa hooc môn trong cơ thể trẻ sau sinh.

Làm mềm và lau đi lớp vảy này bằng cách nhẹ nhàng bôi một lớp mỏng dầu hạt điều hoặc hạt oliu lên đầu trẻ và chải nhẹ nhàng bằng bàn chải chuyên dành cho trẻ sơ sinh. Đừng cố cậy ra bởi vì có thể gây ra viêm nhiễm.

Thêm nữa, cứt trâu cũng không làm tóc khó mọc đâu. Khi nào những mảng cứt trâu biến mất thì tóc sẽ mọc lại ngay.

7. Hăm tã

Dù bạn dùng loại bỉm nào thì hăm tã là một tình trạng rất phổ biến và thường gặp. Hiện tượng này xảy ra khi các tác nhân như phân, nước tiểu và vi khuẩn tiếp xúc với làn da nhạy cảm của trẻ.

Da bị ẩm kết hợp với cọ xát quá mức với bỉm gây ra tình trạng hăm tã - những vệt ửng đỏ, sưng tấy ở mông và đùi trẻ. Đôi khi tình trạng này là do viêm nhiễm hoặc trẻ bị dị ứng với thành phần của bỉm, tã.

Thay bỉm cho trẻ thường xuyên, nhưng đừng sử dụng khăn ướt có cồn. Sử dụng nước ấm và bông và vệ sinh vùng bị hăm. Đừng lau quá mạnh bởi vì như vậy có thể làm khô da trẻ. Sau khi thay bỉm, bôi kem chống hăm và sử dụng dầu chữa oxit kẽm để bảo vệ da trẻ. Để mông trẻ thoáng khí bằng việc cho trẻ không đeo tã vài phút mỗi ngày để giúp bé nhanh khỏi.

8. Bệnh eczema (chàm)

8 căn bệnh về da phổ biến trẻ sơ sinh nào cũng dễ mắc, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý - Ảnh 4

Bệnh chàm còn được gọi là viêm da dị ứng, là tình trạng da thiếu các loại dầu và chất béo cần thiết để tạo thành hàng rào hiệu quả, khiến cho các tác nhân gây kích ứng tiếp xúc với da và làm khô da.

Những triệu chứng của bệnh chàm bao gồm làn da bị khô và kích ứng, ngứa, đỏ và nứt. Tình trạng này xuất hiện ở trẻ trên 3 tháng tuổi và xuất hiện trên da đầu, mặt, khuỷu tay, chân và vùng đeo tã.

Nhiều trẻ bị eczema do di truyền, nên hãy kiểm tra xem tiền sử gia đình có mắc phải hay không. Chế độ ăn uống cũng có thể là tác nhân kích thích căn bệnh này. Ở một số trẻ, tiếp xúc với sữa, trứng, lùa mì cũng gây ra các phản ứng dị ứng. Những tác nhân khác bao gồm bụi bẩn, lông thú và các hóa chất tẩy rửa chứa hương liệu và sulphate (đây là thành phần tạo bọt).

Bơi lội có làm tình trạng eczema xấu đi hay không? Bác sĩ Low cho biết những trẻ bị eczema có thể đi bơi nếu tình trạng đã ổn định. Tắm sau khi bơi, sử dụng loại sữa tắm không bọt, nhưng nếu trẻ bị sưng, ngứa nặng thì nên tránh đi bơi.

Chăm sóc làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh

1. Sử dụng những sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh, ví dụ sữa tắm nhẹ dịu, bột giặt không mùi khi giặt quần áo và chăn đệm của trẻ. Tránh dùng những sản phẩm chứa các hóa chất và hương liệu bởi vì chúng dễ xâm nhập làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh, gây dị ứng.

2. Khi tắm, tránh dùng nước quá nóng hoặc dùng khăn lau quá mạnh.

3. Tránh dùng phấn rôm có bột talc bởi vì trẻ có nguy cơ vô tình hít phải gây ra các bệnh về phổi.

4. Khi ra khỏi nhà, bôi kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30, khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Cho trẻ đội mũ hoặc che ô.

Cho trẻ uống nước ép trước khi đi ngủ: Thương con như thế bằng 10 hại con

4 thời điểm dưới đây cha mẹ không nên cho con uống nước ép gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.

TIN MỚI NHẤT