Nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ là cho con ăn đủ no, mặc đủ ấm mà còn phải quan tâm tới sự hình thành nhân cách, con người của con.
- 3 dấu hiệu chứng tỏ con sẽ có chiều cao vượt trội, đồng thời cảnh báo dấu hiệu dị tật chân
- 4 việc bố mẹ vẫn thường làm tưởng tốt cho con vào mùa đông nhưng lại khiến con dễ ốm hơn
Sinh ra và nuôi dưỡng một đứa trẻ khôn lớn nên người không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, một đứa trẻ lớn lên, không đơn thuần chỉ cần ăn, cần ngủ, hay đáp ứng những nhu cầu vật chất mà cha mẹ còn phải giáo dục trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn của con.
Vì thế, không chỉ những khi con ốm yếu cơ thể mới cần cha mẹ quan tâm mà những bất ổn tinh thần của con cũng cần cha mẹ can thiệp sớm.
Nếu thấy tính cách của con có những dấu hiệu bất ổn sau, cha mẹ cần nhanh chóng can thiệp.
Vô cảm
Vô cảm chính là thứ đáng sợ nhất trên cuộc đời này. Nếu một đứa trẻ vô cảm, chúng sẽ giống như hòn đá hay khúc gỗ, chúng sẽ không có tình thương, không có lòng trắc ẩn, không biết chia sẻ, không hòa đồng... một đứa trẻ như vậy thật sự cô đơn, thậm chí là tự kỷ, trầm cảm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trước tiên cha mẹ hãy xem mình có quá bận rộn, không có thời gian cho con khiến bé lạc lõng, thiếu vắng tình thương cha mẹ.
Hoặc cha mẹ hãy tự uy ngẫm xem lời nói và việc làm thường ngày có phiến diện, cực đoan, ích kỷ khiến con có xu hướng thu mình trong mọi việc hay không. Cha mẹ trước hết phải rèn luyện tính cách lạc quan, cởi mở thì trẻ mới có thể vui vẻ, chan hòa.
Tự hủy hoại mình
Rất nhiều đứa trẻ có xu hướng ngược đãi bản thân, khiến bản thân mình gặp phải đau đớn hay những chuyện xấu xa. Loại tâm lý trẻ này thường hay gặp ở những gia đình có cha mẹ quá khắt khe, cầu toàn, thích áp đặt quản lý con.
Nếu con cái không đáp ứng được yêu cầu của hay kỳ vọng của cha mẹ, cha mẹ sẽ tỏ ra thất vọng chán chường, khiến trẻ day dứt, nhận hết lỗi về mình, tự dằn vặt mình, tự nhận mình yếu kém.
Sự phù phiếm và so đo của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy bất lực và khiến trẻ sớm bỏ cuộc. Việc con tự buông xuôi chính bản thân, tỏ ra chán nản hoặc làm những chuyện nổi loạn để phản kháng sẽ khiến con tự hủy hoại bản thân và tương lai của chính mình.
Quá nhút nhát, hay thu mình trong vỏ ốc
Trẻ con thường hay nhút nhát khi gặp người lạ, hoặc những thứ khiến chúng cảm thấy lo sợ. Nhưng nếu một đứa trẻ luôn sợ hãi mọi thứ, luôn thu mình khép kín thì đó là biểu hiện của tâm lý con chưa vững, điều cha mẹ cần làm nhất là chấp nhận bản chất của trẻ và hướng dẫn, khuyến khích trẻ đúng lúc, thay vì chỉ trích và thất vọng về con.
Cha mẹ chính là người phải dạy cho con về lòng dũng cảm, rèn cho con từng chút một, hướng dẫn con tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ đó trẻ sẽ chịu mở lòng hơn, trở nên can đảm hơn.
Quá ít nói
Đặc tính chung của trẻ con chính là vui vẻ, nói n hiều, hoạt ngôn, ríu rít cả ngày. Chính vì thế, nếu một đứa trẻ trầm tĩnh quá mức, quá ít nói so với bình thường thì cha mẹ cần chú ý quan sát. Mỗi đứa trẻ giỏi diễn đạt phải có người lớn lắng nghe. Nếu cha mẹ luôn ngắt lời hoặc chỉ trích những gì trẻ nói, trẻ sẽ đóng cửa trái tim mình.
Cha mẹ hãy nhớ rằng, lắng nghe con chính là bài tập lớn của cha mẹ. Không chỉ lắng nghe cuộc trò chuyện mà còn phải lắng nghe những điều sâu kín ẩn chứa trong lời nói trẻ. Sự lắng nghe thực sự không phải là chiếu lệ và lơ là, mà là phản ứng kịp thời với cảm xúc của trẻ.
Khi cha mẹ biết lắng nghe con, trẻ sẽ mở lòng, hay tâm sự với cha mẹ, điều này không những giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết mà còn giúp ích nhiều trong việc hình thành nhân cách con.
Không hòa đồng
Một đứa trẻ luôn thích ở một mình, không có bạn, cũng chẳng thích bắt chuyện với ai chính là biểu hiện của không hòa đồng.
Một đứa trẻ không thể hòa đồng có thể do bất ổn trong tính cách. Cây non dễ uốn, cha mẹ cần chú ý để giúp con hình thành tính cách tốt từ khi còn nhỏ, đừng để con bị cô lập hay bị xa lánh khi lớn lên.
Cha mẹ có thể tích cực cho con tới những địa điểm như công viên, nhà văn hóa để trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn. Điều này sẽ khiến trẻ vui vẻ, hòa đồng, quảng giao.
Thiếu tự tin
Tự tin là đức tính cần có của mỗi người. Chỉ khi tự tin chúng ta mới biết yêu bản thân, tôn trọng bản thân, gặt hái thành công và được mọi người yêu mến.
Nếu một đứa trẻ tự ti, chúng sẽ sống khép kín, luôn tự so sánh mình và thấy mình kém cỏi. Tuổi thơ của đứa trẻ như vậy thật sự bất hạnh vô cùng.
Cha mẹ cần khơi gợi cho trẻ sự mạnh dạn, tự tin vào bản thân, phát hiện và trau dồi năng khiếu của trẻ để con có thể tự tin vào chính bản thân mình.