Vệ sinh cho trẻ sơ sinh quá sạch sẽ cũng không phải là chuyện tốt bởi đứa trẻ không được tiếp xúc một chút nào với vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ thiếu cơ hội để chống chọi lại vi khuẩn và khiến trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
- Ông bố tiết lộ 10 sự thật khi nuôi dạy con chẳng sách vở nào dạy bạn
- Khi trẻ cảm thấy tồi tệ nhất, đây là việc các ông bố bà mẹ đều nên làm
Chất dịch trong khoang miệng trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường sẽ tiết ra chất nhất định trong khoang miệng, điều này là hiện tượng bình thường, không cần phải lau chùi sạch sẽ. Niêm mạc trong khoang miệng của trẻ mỏng và mềm, nơi chứa rất nhiều mạch máu, chỉ cần một chút ma sát cũng rất dễ bị tổn thương. Do đó, vệ sinh cho trẻ sơ sinh bình thường không cần phải chăm sóc miệng quá sạch sẽ. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng không cần uống nước, càng không cần dùng vải gạc lau chùi niêm mạc trong khoang miệng trẻ. Tuy nhiên, mỗi lần sau khi trẻ ăn sữa, mẹ có thể dùng vải gạc mỏng, nhẹ nhàng làm sạch vết cấn sữa để lại ở môi, hàm dưới để giúp trẻ thoải mái.
Ngoài ra, vì môi trường khoang miệng của trẻ có lợi cho sự sinh sôi nảy nở của vi sinh vật, rất dễ phát sinh nhiễm trùng niêm mạc như nấm nên khi cho con bú mẹ phải giữ sạch vú, đặc biệt là vệ sinh núm vú sạch sẽ. Kết thúc mỗi lần cho trẻ bú, người mẹ có thể vắt vài giọt sữa, bôi lên núm vú và để khô tự nhiên. Sử dụng sữa mẹ có tác dụng kháng khuẩn, tránh nhiễm trùng. Trong trường hợp trẻ được nuôi bằng sữa công thức, tất cả các đồ tiếp xúc với miệng em bé, chẳng hạn như bình sữa, núm vú giả, ca thìa cần phải được làm sạch và khử trùng trước khi sử dụng, điều này giúp đảm bảo vệ sinh nguồn cung cấp thức ăn cho trẻ và giảm tỷ lệ nhiễm trùng.
"Cứt trâu" trên đầu của trẻ
Nhiều trẻ sơ sinh trên đầu đều xuất hiện các mảng vảy khô, dần dần hình thành một mảng dày, nhờn, có màu vàng nâu hoặc nâu sậm, hay còn được gọi là "cứt trâu". Khi nhìn thấy lớp vảy này trên đầu trẻ, cha mẹ không nên dùng lực để loại bỏ "cứt trâu" với mục đích giúp da đầu trẻ sạch sẽ. Bởi vì da đầu của em bé rất mềm, hơn nữa lớp vảy che phủ vị trí thóp đầu, vệ sinh không đúng cách có thể khiến da đầu của em bé bị tổn thương hoặc thậm chí gây nhiễm trùng.
Tắm ngay sau khi trẻ tiêm phòng
Một số bà mẹ sau khi đưa trẻ đến bệnh viện để tiêm phòng, cảm thấy trẻ không được sạch sẽ, khi về nhà là cho trẻ đi tắm, điều này thật sự phản khoa học. Bởi vì sau khi tiêm chủng là thời kỳ đỉnh cao của việc phát sinh các phản ứng tiêm chủng, ở phần bị tiêm có thể sẽ phát sinh cục bộ như sưng, đỏ, nóng, đau. Thậm chí một số trẻ có thể bị sốt cao hoặc sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn, cơ thể yếu ớt. Nếu tắm cho trẻ vào thời điểm này, nó có thể làm trầm trọng thêm sự khó chịu của trẻ và thậm chí có thể gây thêm bệnh.
Do đó, cha mẹ không nên cho trẻ tắm ngay sau khi tiêm chủng. Ngày hôm sau nếu trẻ biểu hiện bình thường thì mẹ có thể yên tâm tắm cho trẻ. Nếu sau khi tiêm mẹ vẫn muốn tắm cho bé, cố gắng không để nước dính vào vết tiêm.
Rửa quá sạch vùng kín của trẻ
Một số bà mẹ luôn dùng lực mạnh để rửa vùng kín của trẻ vì cảm thấy rửa thế nào cũng không sạch. Đặc biệt có một số mẹ cho rằng chất dịch trắng bài tiết ở vùng kín bé gái là thứ "bẩn" nên phải rửa thật sạch. Trong thực tế, những chất tiết màu trắng này không bẩn và có tác dụng bảo vệ nhất định đối với niêm mạc ở vùng kín. Do đó, mỗi lần vệ sinh vùng kín cho trẻ không cần phải cố ý rửa mạnh, tránh tổn thương niêm mạc cục bộ, khiến trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn.
Cách vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng nhất:
- Với bé trai: Đầu tiên làm sạch gốc đùi và dương vật, sau đó nhẹ nhàng nhấc bìu của trẻ lên, làm sạch da xung quanh, nhưng không đẩy da bao qui đầu.
- Với bé gái: Rửa từ trong ra ngoài, từ trước ra sau, không chà vào môi âm hộ.
Lấy ráy tai cho trẻ thường xuyên
Một số bà mẹ có thói quen lấy ráy tai ở trẻ. Trong trường hợp bình thường, nếu ráy tai không làm cho trẻ khó chịu và không ảnh hưởng đến thính lực, các mẹ không cần phải lấy ráy tai.
Tuy nhiên, khi ráy tai quá nhiều, nó cũng sẽ lẫn với các vi sinh vật, bụi bẩn và các loại mảnh vụn khác rơi vào tai trong quá trình nhai hoặc há miệng. Quá nhiều ráy tai có thể chặn ống tai và ảnh hưởng đến thính giác. Những trường hợp trên cha mẹ cũng phải lấy ráy tai cho trẻ. Tuy nhiên, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến Khoa Tai - Mũi - Họng ở các bệnh viện để các bác sĩ lấy ráy tai, vệ sinh cho trẻ, tránh gây những tổn thương không đáng có.