Bữa sáng rất quan trọng vì cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động suốt cả ngày. Tuy nhiên, để có một bữa sáng cân đối và lành mạnh nhất cho bé, cha mẹ nên tránh những thói quen xấu được nêu trong bài viết sau đây.
- Cha mẹ thông thái học cách hiểu ngôn ngữ của trẻ trên bàn ăn qua 5 dấu hiệu này
- Cách làm đậu hũ non cho bé ăn dặm cung cấp nhiều dưỡng chất 'vàng'
1. Ăn thức ăn thừa
Tận dụng thức ăn thừa hôm trước để nấu mì, phở hay cháo, chiên cơm cho trẻ ăn sáng giúp tiết kiệm thời gian và thực phẩm là thói quen của nhiều bà mẹ nhưng đây là sai lầm lớn. Thức ăn thừa để qua đêm, rau sẽ có thể sản sinh ra nitric (một chất gây ung thư), ăn có hại cho sức khỏe.
2. Cho con ăn xúc xích, thịt xông khói, thịt đóng hộp
Thịt đóng gói, đóng hộp không phải là thực phẩm tốt cho sức khỏe trẻ em - Ảnh minh họa: Internet
Thịt đóng gói, đóng hộp chứa hàm lượng nitrat cực kỳ lớn. Bắt đầu ngày mới bằng các loại thịt này sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư ở trẻ.
3. Ăn thực phẩm chiên rán
Thực phẩm này có hàm lượng mỡ cao. Sau khi chiên, các chất dinh dưỡng bị phá hủy khá nhiều và sản sinh ra một số chất có hại sức khỏe. Thêm vào đó, thực phẩm ngấm nhiều dầu rất khó tiêu hóa. Nếu uống kèm thêm với sữa sẽ tạo thành bữa ăn sáng có hàm lượng chất béo cao quá mức dung nạp, không tốt cho trẻ.
4. Cho con uống nước uống có ga và nước trái cây đóng hộp buổi sáng sớm
Chiều theo sở thích uống nước ngọt có ga hay nước trái cây đóng hộp nhiều đường vào buổi sáng sẽ khiến trẻ mất đi một lượng lớn calo. Nước có ga còn khiến trẻ bị đầy hơi, no ngang, uống vào sáng sớm sẽ ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa.
5. Mì ăn liền
Ăn nhiều mì ăn liền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet
Món ăn này chế biến nhanh và dễ dàng nhưng mì có hàm lượng chất béo khá cao. Khi đi vào cơ thể có nguy cơ tồn đọng rất lâu. Ăn nhiều mì ăn liền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón. Gói gia vị trong mì ăn liền cũng chứa nhiều bột ngọt, có hại cho sức khỏe.
Bữa ăn sáng đối với trẻ thật sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chính vì điều này, các bậc phụ huynh cần biết cách chọn những thực phẩm lành mạnh và loại bỏ những loại thức ăn có hại.
6. Dùng đồ ăn nhẹ thay thế
Đồ ăn nhẹ, đồ ăn vặt không thể dùng như đồ ăn sáng cho bé vì sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Đặc biệt, những món ăn vặt này sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho cả ngày hoạt động sẽ khiến bé mau đói, suy giảm thể lực.
7. Vừa đi vừa ăn
Thời gian bữa sáng ít nên đa số các bậc phụ huynh thường khá vội. Hiện tượng nhiều cha mẹ cho trẻ vừa đi vừa ăn trở nên khá phổ biến. Ăn bữa ăn sáng vội vã hoàn toàn không có lợi cho hệ tiêu hóa và sự hấp thu của cơ thể bé. Vì thế, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị bữa sáng tại nhà hoặc mua đồ về nhà ăn. Ăn chậm nhai kỹ để tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, cung cấp đủ dưỡng chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
8. Ăn sáng muộn
Nhiều trẻ thường có thói quen ngủ nướng đến 9-10 giờ rồi mới thức dậy ăn sáng. Bác sĩ cảnh báo đây là thói quen không tốt bởi khi thức dậy muộn, dạ dày đã đói cồn cào mà các cơ quan trong cơ thể chưa "thức dậy" hẳn nên khi ăn sẽ không thấy ngon miệng.
Thêm vào đó, ăn sáng muộn sẽ làm giảm hiệu quả trao đổi chất và ảnh hưởng đến chất lượng bữa trưa. Tốt nhất hãy tập dậy sớm và ăn sáng trong vòng một giờ sau khi thức dậy.
9. Ăn quá no
Ăn quá nhiều gây áp lực cho các cơ quan trong cơ thể và làm chậm quá trình trao đổi chất. Nên áp dụng khẩu phần ăn với tỷ lệ protein và carbohydrate vừa phải để cơ thể nạp đủ năng lượng cần thiết.
10. Không nên chỉ uống sữa cho bữa sáng
Cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ chỉ uống một ly sữa buổi sáng sẽ vẫn không đủ năng lượng cho cả ngày học tập ở trường. Cần cho trẻ ăn thêm các món ăn khác kèm theo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu trẻ chưa đủ 1 tuổi, sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho trẻ.
Trẻ ở giai đoạn ăn dặm, ngoài bữa ăn dặm buổi sáng, người mẹ vẫn cần cho trẻ bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay sau đó để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi của trẻ.