Liệu có đúng muốn giỏi tiếng Anh thì nhất thiết phải theo học giáo viên bản ngữ? Anh Bùi Khánh Nguyên, một chuyên gia giáo dục độc lập đã có những ý kiến về vấn đề gây tranh luận này.
- 3 việc cha mẹ nên làm trong quá trình nuôi dạy con
- Bộ ảnh chụp những người phụ nữ trước và sau khi làm mẹ: Không phải ai cũng thay đổi ngoại hình, nhưng đôi mắt đều sẽ khác
Có nhu cầu tìm giáo viên online 1:1 cho con trai năm nay lên 6 tuổi nhưng không biết nên chọn người bản ngữ hay người Việt, chị Uyển My (Bình Chánh, TP.HCM) đem thắc mắc lên một diễn đàn phụ huynh nhờ tư vấn. Tuy nhiên, đã hơn 1 ngày trôi qua nhưng bà mẹ này vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Chủ đề chị My đưa ra có hàng trăm bình luận, nhưng với tỷ lệ 50-50 chia đều cho hai "chiến tuyến": Một bên chọn giáo viên bản ngữ, một bên lại "vote" giáo viên Việt Nam. Bà mẹ này thiên về phương án 1, tuy nhiên vẫn chần chừ vì cân nhắc chi phí, sợ không kham nổi phải "đứt gánh giữa đường". Cho con học giáo viên trong nước chị lại sợ phát âm không chuẩn, sau này sửa lại càng khó khăn hơn.
Trên thực tế, câu hỏi: Nên học tiếng Anh với giáo viên Việt Nam hay giáo viên bản ngữ vốn không quá mới. Và chắc hẳn đa phần phụ huynh đều ưu tiên lựa chọn thứ 2. Sự "thiên vị" này cũng khá dễ hiểu. Nhiều người quan niệm, xét về mặt kiến thức ngôn ngữ, giáo viên bản ngữ chắc chắn sẽ có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giáo viên người Việt. Họ phát âm chuẩn hơn; biểu cảm đa dạng, tự nhiên...
Rào cản lớn nhất của nhóm giáo viên này chính là chi phí. Cùng thời lượng, giáo trình như nhau, chi phí phụ huynh phải bỏ ra cho giáo viên bản ngữ thường gấp 3, 4 lần so với giáo viên trong nước hoặc giáo viên đến từ các nước nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 (official language).
Nhưng liệu có phải muốn giỏi tiếng Anh thì nhất thiết phải theo học người bản ngữ? Anh Bùi Khánh Nguyên, một chuyên gia giáo dục độc lập đã có những ý kiến về vấn đề gây tranh luận này.
Giáo viên giỏi phụ thuộc vào chuyên môn, không phụ thuộc vào quốc tịch
Theo anh Nguyên, sự hiện diện của giáo viên bản ngữ tại Việt Nam tạo môi trường tích cực cho việc học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh thành thạo của người Việt. Nhưng thực tế, một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi hoàn toàn có thể là một giáo viên bản ngữ (từ Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ireland…), Việt Nam hay các quốc gia nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai (từ Philippines, Ấn Độ, Singapore…).
Về cơ bản, giáo viên bản ngữ tiếng Anh có một số ưu điểm nhất định trong giảng dạy ngôn ngữ vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, bên cạnh đó, họ còn có lợi thế về văn hóa. Ngược lại, những giáo viên đến từ các quốc gia nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay ngôn ngữ nước ngoài vẫn có lợi thế của riêng mình.
"Họ trải qua những giai đoạn học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và có sự đồng cảm lớn với người học Việt Nam. Từ đó hiểu được tâm lý, quá trình học để dẫn dắt học sinh. Tương tự, giáo viên Việt Nam có lợi thế nói cùng ngôn ngữ và cùng chia sẻ nền văn hóa với học sinh trong nước", anh Nguyên nói.
Bên cạnh đó, những nhóm giáo viên này cũng có một vài nhược điểm. Chẳng hạn, giáo viên bản ngữ không hiểu tâm lý học sinh Việt Nam, họ cần một khoảng thời gian khá lâu để nắm bắt được tâm lý đó. Giáo viên Việt Nam đôi khi còn hạn chế về khả năng ngôn ngữ. Khoa học giảng dạy ngôn ngữ khuyến cáo người dạy phải có trình độ ngôn ngữ cao hơn 2 bậc trên khung tham chiếu châu Âu (CEFR) so với người học. Ví dụ, để dạy người học ở trình độ B1 thì đòi hỏi người dạy tối thiểu có trình độ C1 để mang lại hiệu quả. Không phải giáo viên nào cũng đáp ứng được yêu cầu này.
Ngoài ra, tất cả các giáo viên còn hạn chế về những kiến thức hay khả năng thực hành các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiệu quả. Do vậy, một khi đã lựa chọn công việc giảng dạy tiếng Anh, các giáo viên phải nâng cấp liên tục để hoàn thiện dần. Cá nhân của những giáo viên cũng có những hạn chế riêng, không phụ thuộc vào quốc tịch.
Theo anh Nguyên, mỗi nhóm giáo viên vì thế đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Và một giáo viên giỏi phụ thuộc vào chuyên môn, không phụ thuộc vào quốc tịch.
Bên cạnh đó, hiệu quả học ngoại ngữ cũng ảnh hưởng bởi các yếu tố: Mức độ tiếp xúc với ngôn ngữ (nghe nhiều, đọc nhiều), tương tác bằng ngôn ngữ (dùng ngoại ngữ để giao tiếp), và học cấu trúc ngôn ngữ (học từ vựng, ngữ pháp, phát âm). Cả ba bộ phận này quan trọng như nhau. Nếu chỉ tập trung vào việc tiếp xúc với người bản ngữ thì không có gì đảm bảo học sinh sẽ học ngoại ngữ thành công.
Người học nên thử nhiều phương pháp, cách thức học tập khác nhau, nhiều môi trường... để tìm ra những gì phù hợp nhất với mình.