Việc nuôi dạy con cái theo kiểu "trực thăng" gây ra rất nhiều hệ lụy.
- Con đậu đại học danh tiếng, bà mẹ chia sẻ 6 bí quyết dạy trẻ từ 3 đến 15 tuổi
- Phản ứng khi bị cướp đồ chơi tiết lộ chỉ số EQ của bé cao hay thấp, cha mẹ cần quan sát để có cách nuôi dạy con phù hợp
Theo từ điển Cambridge, "helicopter parents" (cha mẹ trực thăng) là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình. Cách gọi này bắt nguồn từ sự liên tưởng tới hình ảnh những chiếc trực thăng bay lơ lửng ngay trên đầu những đứa trẻ, không ngừng giám sát mọi mặt đời sống của chúng. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu trong cuốn sách Between Parent & Teenager của Tiến sĩ Haim Ginott vào năm 1969.
Ann Dunnewold, Ph.D. - nhà tâm lý học đồng thời là tác giả của cuốn sách Even June Cleaver Will Forget the Juice Box, nói rằng nuôi dạy con kiểu "trực thăng" chỉ đơn giản là nuôi dạy con cái "quá mức". Điều đó có nghĩa là tham gia vào cuộc sống của một đứa trẻ theo cách kiểm soát quá mức, bảo vệ và hoàn thiện con quá mức theo cách vượt quá trách nhiệm của việc nuôi dạy trẻ từ việc lựa chọn quần áo, ăn uống, lựa chọn các môn học năng khiếu, kết bạn, cho đến những quyết định trong cuộc sống như chọn trường đại học, nghề nghiệp tương lai.
"Cha mẹ trực thăng" là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ (Ảnh: The NewYork Times)
Nhiều nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra, "bố mẹ trực thăng" những năm gần đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Theo một khảo sát, có đến 38% sinh viên năm 1 thừa nhận bố mẹ vẫn can thiệp, thay mình giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đối với sinh viên năm cuối, tỷ lệ này là 29%.
Sự độc hại của "cha mẹ trực thăng"
Việc nuôi dạy con kiểu "trực thăng" có thể đến từ nhiều lý do, nhưng những nguyên nhân phổ biến như: Sợ con phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, cảm giác lo lắng, áp lực từ những cha mẹ hình mẫu khác...
Nhiều "cha mẹ trực thăng" bắt đầu phương pháp giáo dục con cái này với ý định chỉ nhằm giúp con cái phát triển. Sự tham gia của cha mẹ vào đời sống của con đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như: cảm giác được yêu thương và chấp nhận, tăng sự tự tin cho trẻ.... Tuy nhiên, vấn đề là một khi việc nuôi dạy con cái bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và các quyết định dựa trên những gì có thể xảy ra, thật khó để ghi nhớ tất cả những điều trẻ học được khi cha mẹ không hướng dẫn chúng từng bước. Điều đó khiến cha mẹ thất bại trong việc dạy trẻ những kỹ năng mới và quan trọng nhất là giáo dục trẻ rằng chúng hoàn toàn có thể đối mặt với thử thách.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel, tác giả của nhiều cuốn sách về làm cha mẹ xác nhận, nhiều khách hàng của bà nay đã là người trưởng thành thường gặp các vấn đề về tâm lý và vẫn còn loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có "bố mẹ trực thăng". Họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế. Hơn nữa, khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian chăm bẵm và quan tâm con cái thường khiến quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, các hoạt động xã hội mờ nhạt dần và chính bản thân họ cũng không có thời gian để thư giãn hay nghỉ ngơi.
Việc nuôi dạy con kiểu "trực thăng" có thể phát triển vì nhiều lý do (Ảnh: Parents)
Nghiên cứu của Ellen Sandseter – một giáo sư về giáo dục mầm non tại trường Đại học Queen Maud ở Trondheim (Na Uy) đã phát hiện rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian khám phá về thế giới xung quanh trước khi lên 9 tuổi ít bị lo lắng và hồi hộp khi xa cách người thân.
Điều này cho thấy những vết thương nhỏ và thất bại của trẻ trong quãng đầu đời giúp ích nhiều cho sự tự tin và phát triển tâm lý của chúng sau này. Những thất bại, vấp ngã dạy cho trẻ biết được đâu là giới hạn của mình, làm thế nào để xử lý những tình huống đáng sợ đó, học cách kiểm soát rủi ro và nỗi sợ hãi của chính mình. "Việc chúng ta lo lắng thái quá có thể làm chúng sợ hãi hơn và tăng tỉ lệ mắc bệnh về tâm lý", bà viết.
Làm thế nào để tránh nuôi dạy con cái trực thăng?
Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể chăm sóc con cái mà không cản trở khả năng học các kỹ năng sống thiết yếu của trẻ? Tiến sĩ Gilboa đưa ra lời khuyên: "Nuôi dạy con cái là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời. Bây giờ chúng ta cần để mắt đến những yếu tố gây căng thẳng, điểm mạnh và cảm xúc của con cái thay vì sự bảo bọc quá mức".
Về mặt thực tế, điều này có nghĩa là để trẻ gặp khó khăn, cha mẹ hãy cho phép chúng thất vọng và đồng thời giúp chúng vượt qua thất bại. Hãy để cho con làm những công việc mà chúng có khả năng về cả thể chất lẫn tinh thần. Tiến sĩ Gilboa nói, cha mẹ nên tìm kiếm cơ hội để lùi lại một bước trong việc giải quyết các vấn đề của con mình. Từ đó trẻ sẽ trở nên kiên cường, tự tin.
Hãy nhớ tìm kiếm cơ hội để lùi lại một bước trong việc giải quyết các vấn đề của con mình (Ảnh: Virtual Writing Tutor)
Tựu chung lại, cha mẹ nên khuyến khích con mình tự giải quyết các vấn đề thay vì giải quyết và đưa ra quyết định hộ chúng. Hơn thế nữa, việc kiểm soát mọi hành vi cử chỉ của con là không cần thiết. Hãy để con bước đi trên con đường của mình và cảm nhận mọi nỗi đau sau mỗi lần vấp ngã, từ đó chúng có thể tự nhận ra những bài học quý giá.