Bún nước lèo là món ăn dân dã được rất nhiều thực khách ưa thích bởi nước dùng thoang thoảng mùi mắm cá linh, cá sặc quyện cùng vị ngọt của tép bạc khiến món ăn trở nên khó quên.
- Tô bún chả Huế thơm mùi khói trong quán nhỏ Sài Gòn
- Bữa sáng ngon lành nhanh gọn với món bún xào cực ngon
Du khách đến miền Tây có thể thưởng thức món bún nước lèo ở nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu.. nhưng với khách sành ăn, thưởng thức một tô bún nước lèo ở Cà Mau mới đúng là chuẩn vị, đặc trưng của vùng sông nước.
Không quan trọng hình thức nên tô bún nước lèo Cà Mau trông không bắt mắt nhưng khi đã thưởng thức, thực khách khó lòng quên được hương vị đậm đà, khác biệt. Tại các quán bún nước lèo nổi tiếng ở Cà Mau, tô bún cầu kỳ nhất cũng chỉ thấy vài con tép bạc đất, miếng cá lóc đồng, vài sợi bì, dưới lót đầy rau sống phủ kín cả bún. Khách ăn chỉ việc thêm tí ớt, vắt thêm xíu chanh rồi đưa muỗng húp thử, sẽ cảm nhận được đủ đầy hương vị của món ăn này lan tỏa trong khoang miệng.
Để nấu món bún nước lèo, người ta chế biến nước lèo từ mắm cá linh, cá sặc tạo nên mùi vị chung của món ăn. Nước mắm sau khi lọc cho không còn lẫn xương cá, cho thêm chút sả đã băm nhuyễn và ngải bún thì cho lên bếp nêm gia vị. Ở Cà Mau, cá lóc nấu món bún nước lèo phải là cá lóc tự nhiên sống ngoài sông được lọc xương, thái miếng nhỏ. Tép bạc đất cũng phải là được đánh bắt từ tự nhiên, đây là loại tép thân nhỏ nhưng có vị thơm, ngọt thịt. Phần tép bạc được lột sạch vỏ.
Thường nước lèo đã có sẵn vị mặn từ mắm, vị ngọt từ xương cá, tép nên chỉ cần nêm thêm ít muối, ít nước mắm, ít bột ngọt và tí đường thì đã vừa ăn. Phần đầu cá lóc thường được luộc trong nước lèo đến khi vừa chín thì vớt ra ngoài, khi ăn mới cho vào tô.
Bì heo (da heo xắt trộn với thịt heo luộc và gạo xay rang) là một trong những nguyên liệu làm nên nét riêng của tô bún nước lèo, khi cho vào tô bún sẽ tạo nên độ sánh và mùi thơm.
Bún ăn cùng với nước lèo là loại bún tươi làm từ gạo, sợi bún không quá mềm, trắng, được chần qua với nước lèo. Cùng đó, bắp chuối bào sợi, rau răm, húng cây cũng là những loại rau tạo nên hương vị của món bún nước lèo.
Nước lèo khi ăn phải luôn sôi. Khi có khách, chủ quán chỉ cần cho bún tươi vào bát, cá, đầu cá, tép cũng trụng cho thật nóng cho vào bát, sau đó chan nước lèo rồi rắc bì heo lên trên. Một số quán chần cả giá hẹ, rau muống chẻ, giá sống và bắp chuối bào. Bún nước lèo tròn vị hơn khi vắt ít chanh, cho thật nhiều ớt bằm và ăn cùng rau răm, húng cây...
Món ăn này thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương và đã trở thành thương hiệu ẩm thực của đất Mũi mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng muốn thưởng thức.