Vì sao trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ?

Chăm sóc con 01/04/2024 07:05

Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ xảy ra ở cả trẻ em. Tuy nhiên, đột quỵ ở trẻ em so với ở người lớn có nhiều điểm khác biệt.

Theo giải thích của giới chuyên môn, đột quỵ là một chấn thương ở não hoặc các mạch máu trong não. Nếu mạch máu bị tắc, nó không thể cung cấp oxy hoặc chất dinh dưỡng cho não.

Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, não không thể tồn tại lâu nếu không có máu lưu thông. Nếu một vùng não hết oxy hoặc năng lượng, người bệnh có thể bị thương hoặc thậm chí tử vong.

Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

Vì sao trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ? - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ; tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10 - 15%; độ tuổi đột quỵ cũng ngày càng trẻ. Cứ mỗi năm, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi lại tăng thêm 2%, ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Rất nhiều người lầm tưởng bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người già, nhưng trẻ em và trẻ sơ sinh cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.

Nguy cơ đột quỵ ở trẻ em

So với người lớn, đột quỵ ít phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nó vẫn xảy ra. Thậm chí, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn trẻ em hoặc thanh thiếu niên.

Theo chuyên trang Healthy Children, trẻ em bị đột quỵ vì những lý do khác với người lớn. Trẻ sinh non có thể bị chảy máu não vì mạch máu của trẻ rất mỏng manh. Trẻ sơ sinh có máu đông dễ dàng hơn trẻ lớn, điều này có thể gây đột quỵ trong những tuần gần khi sinh.

Bên cạnh đó, các bệnh về máu, như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh máu khó đông, cũng có thể gây đột quỵ. Các bệnh di truyền ảnh hưởng đến mạch máu hoặc máu cũng tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em mọi lứa tuổi.

Trong một số trường hợp, trẻ em cũng có thể bị đột quỵ sau chấn thương ở đầu hoặc cổ nếu chúng làm tổn thương các mạch máu bên trong.

Mặt khác, dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm trùng cũng có thể làm hẹp các mạch máu trong não và gây đột quỵ. Trẻ em có vấn đề về tim cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Trong đó, xuất huyết não được xem là nguyên nhân chủ yếu trong những trường hợp đột quỵ cấp và tử vong nhanh chóng sau đó. Đáng chú ý, 85% những trường hợp trẻ em bị đột quỵ xuất huyết não là do dị dạng mạch máu não với các dấu hiệu rất khó phân biệt, phát hiện sớm.

Vì sao trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ? - Ảnh 2

Ảnh minh họa

Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ ở trẻ em

Rất khó để biết liệu một đứa trẻ có bị đột quỵ hay không vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng có thể diễn tả cho bố mẹ biết chuyện gì đang xảy ra.

Biểu hiện đột quỵ ở trẻ sơ sinh

Với trẻ sơ sinh, những biểu hiện dễ thấy cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể kể đến như cơn động kinh liên tục xảy ra ở một bộ phận của cơ thể, trẻ buồn ngủ trầm trọng đến mức không thức dậy để bú bình thường.

Ngoài ra, trẻ dễ bị yếu hoặc cứng ở một bên cơ thể hoặc ở một cánh tay hoặc chân. Những đứa trẻ khác có thể bị chậm phát triển.

Biểu hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ

Với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, đột quỵ dễ xuất hiện khi trẻ gặp tình trạng yếu đột ngột ở một bên mặt và cơ thể, hoặc không sử dụng được một bên cơ thể theo cách bình thường.

Trẻ có nguy cơ đột quỵ cũng thường gặp phải tình trạng chóng mặt kèm theo các vấn đề về thăng bằng và đi lại khó khăn hay cơn đau đầu xuất đột ngột, rất dữ dội, khác với những cơn đau đầu thông thường của trẻ.

Ngoài ra, nếu thấy trẻ liên tục ngã sang một bên, mất cảm giác ở một bên cơ thể hoặc khuôn mặt, khó khăn khi nói chuyện hoặc nói ngọng, không nói được từ nào hoặc từ ngữ vô nghĩa, cha mẹ cần lưu ý đưa con đi kiểm tra ngay lập tức.

Vì sao trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ? - Ảnh 3

Ảnh minh họa

Điều trị đột quỵ ở trẻ em

Trong một số trường hợp, điều trị khẩn cấp có thể ngăn chặn cơn đột quỵ trở nên tồi tệ hơn nếu chẩn đoán được thực hiện trong vòng những giờ đầu tiên sau khi cơn đột quỵ bắt đầu.

Nếu trẻ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ có thể sử dụng aspirin hoặc thuốc làm loãng máu để ngăn tình trạng bệnh nặng hơn hoặc xảy ra lần nữa.

Đối với trẻ bị xuất huyết não, bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để giúp chăm sóc trẻ.

Cách giúp trẻ hồi phục sau cơn đột quỵ

Mặc dù não không lành lại dễ dàng hoặc hoàn toàn như các bộ phận khác của cơ thể nhưng não của trẻ thường có thể thích nghi với những vết thương.

Thông qua vật lý trị liệu, ngôn ngữ và hoạt động trị liệu, nhiều trẻ em có thể tiếp tục cải thiện sức khỏe trong 6 hoặc thậm chí 12 tháng sau cơn đột quỵ.

Tuy nhiên, giống như người lớn, trẻ hoàn toàn có nguy cơ tái đột quỵ mặc dù tỷ lệ tương đối thấp. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị đột quỵ khi già đi, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ nên giúp con cái tránh những tác nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở tuổi trưởng thành, như huyết áp cao, cholesterol, tiểu đường,...

Phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Vì khác với người lớn, đột quỵ ở trẻ đa phần là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ. Chính vì vậy, rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.

Điều quan trọng, những nghiên cứu về thời gian vàng cho đột quỵ trẻ em thường rất ít, do đây bệnh lý rất hiếm gặp, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để kết luận chính xác. Khuyến cáo chung về thời gian vàng trong bệnh đột quỵ vẫn khuyến cáo 6 giờ. Do vậy, nên phải xử trí được đột quỵ cho bệnh nhi càng sớm càng tốt.

"Sống chung" với con tuổi teen nổi loạn

Bước vào lứa tuổi dậy thì, trẻ thường có một số dấu hiệu nổi loạn, việc nuôi dạy con trở nên vô cùng khó khăn đối với cha mẹ.

TIN MỚI NHẤT