Sau tai nạn giao thông, phải cưa một chân, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Lưu (SN 1994- Phù Cát, Bình Định) đã tự cứu vớt cuộc đời mình bằng hành trình gieo mầm yêu thương.
- Đầu năm, mẹ đơn thân 'xấu xúc phạm người nhìn' phát biểu gây sốc, được hàng triệu chị em chia sẻ
- Hai nông dân miền Tây trả lại 120 triệu đồng cho người đánh rơi vào sáng mùng 2 Tết
Ngày 12/9/2016, sau khi rời công ty, Lưu điều khiển chiếc xe máy theo hướng đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TP HCM) để về nhà trọ.Ở tuổi 22, giai đoạn thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người thì Lưu bất ngờ gặp tai nạn giao thông thảm khốc.
Đến khu vực chân cầu Kiệu, một chiếc ô tô 7 chỗ đi ngược chiều tông thẳng vào xe anh.
Tiếng phanh ô tô ‘cháy’ đường, cú va chạm mạnh… Giây phút đó, Lưu nằm bất động. Chân trái mất dần cảm giác, thân thể bầm dập.
Người đi đường từ các ngả túa ra xem. Họ chỉ trỏ, bàn tán về nạn nhân bằng sự hiếu kỳ. Đôi mắt Lưu nhòe đi...
Hơn 10 phút sau tai nạn, Lưu gắng gượng, tự bắt taxi vào viện trong tình trạng chân dập nát, mất máu cấp.
Lúc này, anh bấm điện thoại cho người thân…
Vào đến bệnh viện, anh được đẩy vào phòng mổ. Bác sĩ yêu cầu tiến hành phẫu thuật gấp, cắt bỏ phần chân bị cán nát, mới giữ được mạng sống.
Người nhà chạy bổ đi tìm anh, gương mặt đầy lo âu, thảng thốt.
Khi ấy, chàng trai trẻ đang làm nhân viên cho một công ty vàng bạc đá quý ở quận Phú Nhuận (TP. HCM).
Anh có mọi thứ, tuổi trẻ và tương lai hạnh phúc. Giọng anh Lưu chợt trầm xuống, đôi mắt đỏ hoe, nhớ lại:
‘Đứng trước thời khắc sinh tử đó, dù mơ màng, tôi vẫn nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Và tôi chọn được sống.
Căn phòng mổ đầy mùi thuốc sát khuẩn, tiếng máy móc, đồ kim loại va vào nhau lạnh lẽo, tôi có chút hoảng loạn, sợ hãi. Cảm giác thời gian trôi đi thật nặng nề’. Sau đó, Lưu tự ký vào bản cam kết cưa chân đưa cho nhân viên y tế.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, chân trái băng kín, mẹ Lưu ngồi bên cạnh, mắt trũng sâu, mái tóc bạc thêm mấy phần, nhìn anh khắc khoải.
Câu đầu tiên chàng trai 22 tuổi nói với mẹ: ‘Mẹ ơi, con mất chân rồi, thành người tàn phế rồi’. Mẹ Lưu chảy nước mắt, vỗ về, động viên con trai đừng nghĩ ngợi.
Mỗi lần y tá thay băng, vết thương chưa kịp liền da, Lưu quằn quại vì buốt. Thấy con trai la hét thất thanh, mẹ anh không chịu được, chạy ra ngoài, ôm ngực khóc nức nở…
'Chắc mẹ tuyệt vọng lắm, nuôi con trưởng thành, lành lặn, đâu ngờ con rơi vào hoàn cảnh thế này’, Lưu nói.
Những ngày nằm trên giường bệnh, mọi thứ với Lưu như nhiên sụp đổ. Phải mất một khoảng thời gian dài, tâm lý anh mới ổn định trở lại.
Suốt 1 tháng, Lưu gần như thức trắng, nhắm mắt lại ký ức khủng khiếp lại ùa về. Muốn khóc nhưng không dám vì sợ bố mẹ thêm đau lòng, có lúc anh như ‘phát điên’ trước bi kịch mình đang gánh chịu.
Trái tim của anh trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Chỉ một câu nói vô tình của ai đó cũng như lưỡi dao cứa vào Lưu... Nhưng bất chợt bắt gặp mẹ dáng hao mòn, đôi mắt trũng sâu, nặng trĩu nỗi buồn, lòng anh bỗng dịu lại.
Chàng trai trẻ tâm sự, để nguôi ngoai nỗi đau, người ta thường cố gắng tránh nhắc đến sự mất mát. Riêng anh lại nhìn vào đôi chân chẳng còn vẹn nguyên, nhắc nhở bản thân vượt qua tất cả.
Không cam phận nhìn cuộc đời mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Lưu đã tự cứu vớt chính mình bằng hành trình gieo mầm yêu thương. Nhiệt huyết thanh xuân tưởng chừng bị dập tắt đã bắt đầu trở dậy...
Rời bệnh viện, việc đầu tiên Lưu làm là tập đi trên đôi nạng gỗ và chiếc chân giả. Sức khỏe ổn định, anh trở lại công ty cũ làm với mức lương 6 triệu đồng. Hàng tháng, trừ đi các chi phí tiết kiệm, anh dành dụm 1 triệu làm việc thiện.
Gần 700 ngày, Lưu miệt mài theo chân những đoàn thiện nguyện của các chùa, đến các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ thăm những mảnh đời khốn khó hay đến các bệnh viện tự tay nấu cháo, nấu cơm phát cho bệnh nhân.
Annh đi khắp các tỉnh miền Tây, Bình Định, TP.HCM, Vĩnh Phúc... Chỉ cần ở đâu có hoàn cảnh thương tâm, chàng thanh niên đó sẵn sàng có mặt, trao đi tình yêu ấm áp của mình, không một lời nề hà.
‘Thay vì buồn đau, thôi thì kệ, cuộc đời quá ngắn, ta cứ mỉm cười và bước tiếp’, Lưu bộc bạch.
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình, Lưu tâm sự, anh từng là sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Học năm nhất, do hoàn cảnh khó khăn, anh gác ước mơ giảng đường, đi làm sớm.
Hai năm sau vụ tai nạn kinh hoàng, chàng trai đất võ Bình Định xin nghỉ việc, theo học nghề xăm hình nghệ thuật ở tỉnh Vĩnh Phúc.
‘Tôi muốn có một nghề ổn định, kiếm được tiền nuôi bản thân mình, không làm gánh nặng cho ai’, chàng trai 9x mỉm cười nói.
Tại đây, anh gặp và giúp đỡ cụ ông tên Nguyễn Văn Tiến (90 tuổi). Cụ sống cô độc, bệnh tật, không có gia đình, người thân bên cạnh. Hàng tháng cụ chỉ có khoản trợ cấp nhỏ. Cụ đang ở trong căn nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng.
‘Ra học đến ngày thứ 2 thì tôi ngửi thấy mùi khó chịu. Cô giáo nói mùi phát ra từ căn nhà bên cạnh của cụ ông neo đơn, vợ mất, giờ già yếu, nằm một chỗ.
Tò mò tôi sang tìm thì thấy cụ ông nằm co ro trong chiếc chăn cáu bẩn, hôi hám. Đôi mắt mờ đục ngước lên nhìn rồi lại cụp vào mệt mỏi. Mùi xú uế xộc thẳng vào mũi.
Dưới nền gạch hoa, nước tiểu, phân nhiều ngày đặc quánh, cáu bẩn.
Mắt tôi cay xè. Tôi nghĩ về bản thân mình trước đây khi vừa bị cưa chân, nằm một mình bất lực trên giường bệnh’, Lưu trầm ngâm nhớ lại.
Từ hôm đó, anh quyết tâm giúp cụ ông. Lưu cùng các nữ học viên nơi mình theo học đến dọn dẹp, tẩy uế căn nhà cho cụ sạch sẽ, khang trang. Anh ra phố mua đồ đạc, quần áo cho cụ đủ dùng trong mùa đông.
Đều đặn, mỗi sáng, anh đặt chuông báo thức, dậy thật sớm, chuẩn bị tư trang, đeo chiếc chân giả.
Sau đó anh mua đồ ăn sáng, sang đút cho cụ Tiến ăn, uống thuốc, rồi mới trở lại lớp. Buổi trưa và tối, Lưu mua cháo, mua cơm, tắm rửa giúp cụ.
Cứ như vậy, suốt mấy tháng trời lưu trú tại Vĩnh Phúc, anh trở thành chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông xa lạ.
Ban đầu hàng xóm nhiệt tình sang giúp nhưng dần dần họ ngại, cũng thưa thớt dần. Tôi được biết, chính quyền nhiều lần muốn đề nghị đưa cụ vào viện dưỡng lão chăm sóc nhưng cụ không đi.“Sức khỏe yếu, chân gần như liệt nên cụ đại tiện, tiểu tiện tại chỗ. Lần đầu tôi đến, cụ đuổi đi, tưởng sang ăn cắp. Vì cụ bị lẫn, gặp ai cũng nổi nóng, chửi mắng.
Lúc tỉnh táo, cụ tâm sự với tôi, dù thế nào cụ cũng muốn ra đi ở ngôi nhà này. Nơi 5 năm trước, cụ đã tiễn đưa người bạn đời của mình. Nghe cụ nói, tôi xúc động lắm…’, Lưu kể.
Hình ảnh chàng trai khuyết chân ân cần chăm sóc cụ già đau yếu phút chốc lan tỏa, lấy đi không ít nước mắt của nhiều người.
Trước khi trở về quê, Lưu đã đi kêu gọi các nhà hảo tâm, giúp đỡ cụ ông một khoản kinh phí.
‘Mỗi tháng tôi gửi ra 3 triệu cho cháu họ của cụ, để chị ấy mua bán thức ăn, sinh hoạt cho cụ. Gia ảnh chị ấy cũng khốn khó'.
Trở về mảnh đất đầy nắng và gió Bình Định, Nguyễn Văn Lưu nghe người ta nhắc đến cụ bà Lê Thị Tường (96 tuổi) ở huyện Phù Cát (Bình Định) đang lay lắt sống những ngày cuối đời trong cô độc.
3 ngày trời dò la tin tức, anh cũng tìm được địa chỉ cụ bà ở. Cụ nằm 1 chỗ, hơi thở thều thào, chân thay phù thũng vì di chứng của bệnh thận.
Anh viết: ‘Bà ơi... trái tim con nghẹn ngào khi thấy bà nằm co ro, đói khát, không có gia đình chăm sóc.
Trong căn nhà cũ nát, thứ đập vào mắt con là 1 di ảnh thờ của bà và 1 cặp đèn sứ.
Không chồng, không con, không họ hàng, đó chính là hậu sự mà bà tự lo liệu nhỡ khi nhắm mắt xuôi tay.
Con chợt nghĩ đến mẹ con. Ngày ấy, nếu con ra đi sau vụ tai nạn đó, biết đâu một ngày mẹ con cũng như bà’.
Cuộc sống của họ cũng khó khăn, nuôi 3 đứa con nheo nhóc. Việc duy nhất họ giúp được là san sẻ cùng cụ bát cơm của mình.Theo lời Lưu, cụ bà không có gia đình. Người duy nhất giúp đỡ cụ là cặp vợ chồng hàng xóm.
Nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, anh về tâm sự với mẹ rằng, bản thân thấy bất lực, vì chưa biết làm gì giúp cho bà cụ.
Mẹ khuyên anh hãy làm từ những việc nhỏ nhất, bà sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình.
Nhờ sự động viên của mẹ. Anh huy động mọi người, cùng mình vệ sinh căn nhà cho cụ bà.
Một ngày 2 lần, anh chạy xe máy lên thăm cụ. Biết được tấm lòng của chàng trai trẻ, nhiều mạnh thường quân đã dốc lòng ủng hộ cụ một khoản tiền. Số tiền đó Lưu lo ăn uống, thuốc men hàng ngày và dự định xây cho cụ bà căn nhà mới.
Tuy nhiên, những ấp ủ đó Lưu chưa kịp thực hiện thì ngày 22/1, khi chỉ cách 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán, cụ bà qua đời vì sức khỏe suy kiệt.
"Đó là điều hối tiếc nhất với tôi. Tôi vẫn day dứt là chưa giúp được nhiều cho cụ, chưa làm tròn trách nhiệm mà các nhà hảo tâm gửi gắm", giọng nghèn nghẹn, Lưu nói.
Lưu bộc bạch, hạnh phúc của anh không phải là kết hôn, sinh con mà là chứng kiến cuộc đời bớt đi một hoàn cảnh bất hạnh.
‘Tôi xác định không lập gia đình vì sợ mình trở thành gánh nặng cho người ta. Nếu mình lấy vợ, mọi thứ đều phải san sẻ. Như vậy, khó giúp ai được trọn vẹn.
Thay vì chỉ hạnh phúc với một tổ ấm nhỏ, tại sao mình không trao điều đó cho cuộc đời. Giờ cụ Tiến và nhiều người khác, chẳng khác nào gia đình của tôi.
Tâm tư này tôi cũng nói với ba mẹ. Mẹ chỉ dặn: ‘Số phận con như vậy, giờ con quyết định ra sao, ba mẹ ủng hộ, chỉ cần con thoải mái.
Trải qua những cú sốc lớn, đến cuối cùng, tôi mới hiểu, hóa ra hạnh phúc là một loại cảm giác. Có thể giúp một ai đó dù là việc rất nhỏ, tất sẽ cảm thấy thanh thản và an nhiên trong lòng... Hi vọng những việc làm nhỏ của tôi có thể xoa dịu phần nào nỗi đau mà họ gánh chịu. Còn khỏe mạnh, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình’.
Và cứ thế, Nguyễn Văn Lưu cần mẫn viết thêm những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…