Đại diện bệnh viện Từ Dũ khẳng định thai nhi trong bụng chị N. bị đột tử. Tai biến y khoa này không thể xác định nguyên nhân.
- Gương mặt mới của cô gái 9x bị chồng dùng xăng thiêu sống, bệnh viện trả về vì chỉ còn 1% cơ hội sống
- Vụ chặt tay tài xế ô tô: Nạn nhân bị đứt động mạch, máu phun không ngừng khi vào bệnh viện
Ít giờ sau phản ánh của phóng viên về chuyện chị C.K.N (24 tuổi, quê TP.HCM) bức xúc cho rằng bác sĩ tại bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) tắc trách làm thai nhi hơn 39 tuần tuổi trong bụng bệnh nhân chết lưu, phía BV đã có trần tình sự việc.
Vì sao chờ hơn 1 ngày mới đưa thai nhi đã mất ra khỏi bụng mẹ?
Bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, quan điểm của BV là luôn chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân. Tuy nhiên khẳng định nhân viên y tế đã theo đúng phác đồ điều trị.
Hồ sơ bệnh án tại đây ghi nhận sáng 29/10, thai phụ N. đến BV vì đau bụng. Các dấu hiệu cận lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm đều trong giới hạn bình thường nên bệnh nhân được cho về và hẹn tái khám sau 3 ngày.
Trước thắc mắc vì sao không cho bệnh nhân nhập viện dù đã vỡ ối, BS Hoàng khẳng định việc thăm khám hoàn toàn không phát hiện nước ối vỡ, rỉ.
Cụ thể, nhân viên y tế đã kiểm tra nước ối bằng giấy quỳ và không đổi màu. Kết quả siêu âm lượng nước ối cũng trong giới hạn bình thường. Kể cả khi thai đã chết lưu thì nước ối vẫn chưa vỡ .
Theo đại diện BV thì trước khi chị N. về, BS đã dặn rất nhiều điều như theo dõi cử động thai, thấy ra máu, ra nước hay dấu hiệu bất thường gì phải nhập viện ngay.
"Ở khoa Khám bệnh, thai phụ 39 tuần được chỉ định cho về rất nhiều và là chuyện bình thường. BS chỉ có thể dặn bệnh nhân kỹ lưỡng chứ không thể cho nhập viện gắn máy đo tim thai ngày này qua ngày khác được. Bệnh nhân chưa có chỉ định nhập viện" - BS Hoàng phân tích.
Đến ngày 31.10, bệnh nhân quay lại BV vì thấy ra máu. Các BS đo thai máy và siêu âm đều xác định thai đã mất. Phía BV sau đó sắp xếp để cho sản phụ vào nhập viện để chờ lấy thai ra.
Giải thích về chuyện vì sao để bệnh nhân bốc số và chờ đợi 2 tiếng đồng hồ, BS chia sẻ:
"Tất cả các ca chuyển dạ đều có dấu hiệu sinh giống nhau. Bệnh nhân ra máu là dấu hiệu sinh bình thường, do đó phải chờ đợi lần lượt theo quy trình. Nếu có chỉ định cấp cứu thì mới đưa vào gấp. BS không thể ưu tiên một ai, vì nếu ưu tiên thì những thai phụ đã vào trước tính sao".
Sau khi biết tin mất đứa trẻ trong bụng, chị N. và gia đình rất bức xúc.
Theo BS Hoàng dù lúc này khoa Sản G đã hết giường nhưng trước nỗi đau của bệnh nhân, nhân viên y tế phải nói một người bệnh nhẹ hơn nhường giường cho chị N.. Tuy nhiên do gia đình bệnh nhân có phần căng thẳng, BV đã quyết định chuyển bệnh nhân qua nằm ở khoa Sản A.
Về chuyện không chấp nhận yêu cầu lấy thai ra ngay của gia đình, BS cho biết điều này vì tương lai sản khoa của bệnh nhân.
"Thai đã mất rồi nên lấy lúc nào cũng vậy, nhưng thực hiện liền thì chỉ có cách mổ bắt con. Điều này có thể xảy ra những tai biến, di chứng về sau. N. sanh thường ca này được, sau khi sanh thường có thể mang thai lại ngay.
Bệnh nhân nhập viện vào 10h50 ngày 31/10, đến khi sinh là 15g25 ngày 1/11. Trong thời gian chờ đợi, bệnh nhân được sử dụng thuốc giục sinh" - Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp của BV nói.
"Chúng tôi chỉ xin lỗi vì chưa làm tròn sứ mệnh của mình"
BS Hoàng nói sau khi lấy thai xong, gia đình chị N. đã dùng mạng xã hội đăng tải sự việc, dùng lời lẽ rất nặng nề chỉ trích BV. Sau đó, người nhà có dẫn sản phụ đến đòi công bằng.
Họ yêu cầu BV phải thông tin chi tiết nguyên nhân sự việc, đồng thời đặt nghi vấn chuyện dây rốn quấn cổ có liên quan đến việc thai chết lưu.
Về chuyện này, BS Hoàng giải thích trong thời gian chị N. mang thai, BV đã phát hiện có vòng dây rốn quấn cổ bé.
Nhưng nhân viên y tế không ghi vào bệnh án vì chỉ làm tăng thêm sự lo lắng cho bệnh nhân.
Hiện nay tỉ lệ thai nhi có dây rốn quấn cổ khoảng 40%. Rốn quấn cổ không liên quan đến chuyện thai chết lưu, nó chỉ là một tình trạng kèm theo và không làm thay đổi trong việc can thiệp xử trí sản khoa.
Đại diện BV Từ Dũ kết luận, thai nhi trong bụng chị N. đã đột tử mà không rõ nguyên nhân.
"Mỗi năm BV Từ Dũ đều có vài ca như vậy. Thậm chí có trường hợp đã vô BV nằm đo tim thai nhưng thai vẫn mất. Cho đến giờ có những bệnh mà y khoa không thể xác định nguyên nhân vì sao. Đây là rủi ro" - BS khẳng định.
BS cũng nhắc lại việc chị N. từng bị dọa sinh non, hở eo tử cung khi thai 27 tuần tuổi. Tuy nhiên sau khi nhập viện, bệnh nhân điều trị ổn và cho về.
Thời điểm 39 tuần, tử cung bệnh nhân chỉ hở ngoài (nở nửa phân), không phải là cơn gò chuyển dạ.
"BV không làm sai phác đồ nhưng vẫn rất chia sẻ nỗi đau với sản phụ và gia đình.
BV sẵn sàng hỗ trợ về mặt thể chất và tâm lý cho sản phụ. Bởi sau khi sinh, bệnh nhân còn 3 tháng nguy cơ băng huyết và nhiễm trùng tử cung.
Nếu phải xin lỗi, chúng tôi chỉ có thể xin lỗi vì không thể giúp bệnh nhân mẹ tròn con vuông. Bản thân người BS như chúng tôi cảm thấy chưa làm tròn sứ mệnh của mình" - BS Hoàng nói.
Một số nguyên nhân khiến thai chết lưu lúc gần sinh có thể xác định được theo BS Bùi Văn Hoàng:
- Nhau bong non làm máu chảy hết ra ngoài khiến bé tử vong. Trường hợp này có thể chuyển dạ hoặc chưa.
- Vỡ tử cung vì vết mổ cũ.
- Nhau tiền đạo khiến sản phụ ra huyết.
- Dây rốn thắt nút lúc chuyển dạ khiến máu không lưu thông là siết cổ thai nhi (khác việc vòng rốn quấn cổ).