Anh ta đã thay lòng, chị còn níu giữ làm gì cho đau lòng. Mặc kệ, miễn là anh ta còn thương con. Hàng tháng vẫn đưa tiền cho chị mua sữa cho con. Bây giờ mọi nguồn sống của chị chỉ xoay quanh thằng bé. Nó là niềm vui duy nhất của chị trong cuộc hôn nhân này.
Cô đơn nhất không phải là lúc ở một mình mà chính là lúc ở cạnh người thương yêu nhất vẫn thấy mình trơ trọi. Đàn bà lấy chồng, tưởng rằng cuộc đời mình sẽ có người cùng nhau san sẻ buồn vui, sướng khổ. Nhưng nhiều đàn bà, lấy chồng, nằm cạnh chồng mà vẫn trào nước mắt.
Sau bao nhiêu năm sống cùng nhau chị cảm thấy mình kiệt sức khi cố gắng thay đổi chồng. Ngồi ngẫm lại khoảng thời gian trước khi cưới, chị không hình dung nổi mình đã từng yêu người đàn ông đó ra sao. Ngày trước, nghĩ chỉ cần sống nhau trong một mái nhà, cùng ăn cùng ngủ đã là hạnh phúc. Nhưng vài ba năm sống cùng, trong căn nhà giờ đây chỉ còn là nước mắt của chị, bao nỗi đau đớn và ê chề.
Hôm nay, chồng chị lại về nhà trong men rượu. Anh ta hối chị dọn cơm canh. Cơm chưa dọn xong anh ta đã úp cả tô canh lên đầu chị. Anh ta còn quát lên: “Làm vợ mà để chồng ăn cơm canh nguội ngắt vậy à?” Chị đưa tay quệt lấy dòng nước canh chảy ròng ròng trên mặt. Chồng đi nhậu nửa đêm mới về, lấy đâu ra cơm canh nóng? Mà nếu chị đi hâm lại đồ ăn, trễ cơm hay nóng quá cũng sẽ bị chửi, thậm chí bị đánh.
Con người sao thay đổi nhanh đến chóng mặt. Chồng chị hồi trước đâu có như vậy, nhưng dần dần anh biến thành con người cộc cằn thô lỗ. Chê bai chị là hạng đàn bà ăn bám, có chăm con mà cũng không xong. Chị nhớ cái lần con ốm, con sốt vật vã. Mình chị loay hoay chăm con cả ngày đến mệt lả. Nhưng chồng về nhà, chưa kịp hỏi tiếng nào đã tát chị: “Có đứa con mà chăm cũng không xong, làm mẹ kiểu gì mà để con ốm suốt ngày?”. Chị cứng họng không nói được lời nào.
Con chị sinh non. Tám tháng đã ra đời nên cứ dặt dẹo ốm đau, nay bác sĩ, mai bệnh viện. Con khó nuôi, lại cần mẹ nên chị xin nghỉ hẳn việc ở nhà chăm con. Chồng bảo chị là hạng đàn bà không biết đẻ, con người ta sinh ra khỏe mạnh bụ bẫm, còn con mình cứ ốm đau. Từ khi chị ở nhà chăm con, anh ta khinh chị ra mặt. Nuôi con bao nhiêu thứ cần phải lo nào tã, nào sữa... Nhưng mỗi khi anh đưa tiền đều dặn chị đừng phung phí, những đồng tiền ấy là mồ hôi, nước mắt cuả anh.
Nhiều người khi thấy chị bị chồng chửi mắng bảo chị sao cứ nín nhịn hoài. Càng chịu đựng anh ta được nước càng coi thường. Chị bảo, nếu một thân một mình chị chẳng thiết tha gì con người ấy nhưng còn đứa con chưa tròn tuổi của chị thì sao? Cha mẹ thì xa, ôm con ra ở trọ thì tội con quá. Con cứ ốm đau thế này, ngồi chăm con cả ngày cũng mệt đâu thể làm gì để kiếm ra tiền. Chị vẫn cần số tiền của chồng để mua sữa, thuốc men cho con.
Đàn bà lấy chồng, trong nhờ, đục chịu. Đã từ lâu chị không còn phản kháng, gào khóc trước sự tệ bạc của chồng bởi chị biết những điều đó bây giờ vô nghĩa. Chị không còn hy vọng ở sự thay đổi của anh ta nữa. Khi chị sinh con, anh ta ôm ấp gái ngoài quán bia. Chị biết hết chứ, nhưng chị mặc kệ. Anh ta đã thay lòng chị còn níu giữ làm gì cho đau lòng. Mặc kệ, miễn là anh ta còn thương con. Hàng tháng vẫn đưa tiền cho chị mua sữa cho con. Bây giờ mọi nguồn sống của chị chỉ xoay quanh thằng bé. Nó là niềm vui duy nhất của chị trong cuộc hôn nhân này.
Đêm nằm bên chồng, chị cảm nhận hố sâu thăm thẳm ngăn cách giữa hai người. Có đêm chồng vật chị ra rồi thỏa mãn mà không biết rằng chị đang cắn răng chịu đựng. Sau cuộc ái ân, chồng lăn ra ngủ còn chị thấy mình đau đớn và cô độc biết bao nhiêu. Còn gì khổ sở hơn một người đàn bà nằm cạnh chồng mà vẫn thấy cô đơn thăm thẳm.