Tết mỗi năm mỗi khác nhưng những gánh nặng nhà cửa, bếp núc lúc nào cũng mặc định cho đàn bà. Đàn ông quá vô tâm để nhận ra rằng, lẽ ra trong ba ngày Tết vợ mình cũng cần vui chơi, cần nghỉ ngơi chứ không phải nai lưng ra làm việc cật lực như ôsin.
Với đàn bà, Tết đâu chỉ có son phấn, diện váy đẹp đi tung tăng chúc năm mới họ hàng, người thân. Ngay khi tờ lịch chuyển sang tháng Chạp, trong đầu họ đã có một bảng danh sách dài dằng dặc việc phải làm, những khoản tiền phải chi tiêu. Trong khi cánh phụ nữ bù đầu, bù tai vì bận bịu thì đàn ông lại rất vô tâm với vợ.
Chị ngồi đếm đi đếm lại số tiền trong túi mình. Chị lẩm nhẩm: “Tiền biếu Tết hai bên nội ngoại, tiền quà cáp họ hàng, tiền mua quần áo mới cho con, tiền mua bánh trái…”. Chị thở dài, có chừng này tiền phải chi cho quá nhiều thứ, biết sao cho đủ. Chị định bàn với chồng cắt giảm ít khoản nhưng anh đã ngủ khò sau tiệc tất niên công ty. Chồng chị lúc nào cũng muốn biếu họ hàng quà sang trọng nhưng đâu biết vợ mình phải thắt chặt hầu bao đến mức nào.
Hai năm rồi chị chưa về ăn Tết bên ngoại. Chị biết kinh tế mình không đủ dư dả để cả nhà về quê, nhưng lòng chị buồn lắm khi nghĩ đến cha mẹ. Chị nhớ nhà, nhớ những bữa cơm gia đình sum họp. Ăn Tết nhà chồng cũng đầy đủ bánh trái, cũng họ hàng anh em nhưng thấy mình thật sự lạc lõng. Phận đàn bà lấy chồng xa đành chịu, chỉ mong năm nào đó khấm khá một chút để chị về thăm cha mẹ. Chồng chị không bao giờ hiểu được cảm giác của chị. Anh thường bảo: “Ở bên chồng, bên con ăn Tết thế này em còn muốn gì nữa?”.
Dịp cuối năm tất niên liên miên từ công ty, nhà họ hàng, đến bạn bè, đồng nghiệp. Chồng chị gần như ngày nào cũng nhậu nhẹt. Mỗi buổi sáng, anh hồ hởi kể cho chị nghe chiều nay sẽ ăn tất niên nhà ai, rồi vui vẻ lái xe ào ra đường. Anh đi nhiều khi nửa đêm mới về rồi lăn ra ngủ. Còn chị, cuối năm biết bao nhiêu việc phải làm. Tranh thủ thời gian ít ỏi của những ngày nghỉ chị lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, mua quà cáp biếu họ hàng... Bao nhiêu việc khiến chị rất mệt mỏi.
Sự vô tâm của chồng đỉnh điểm nhất có lẽ ba ngày Tết. Hết họ hàng, đến bạn bè của anh đến nhà nhậu. Anh thì bảo ba ngày Tết cứ ăn uống, nhậu nhẹt cho xả láng. Chị cong lưng trong bếp xào nấu. Chưa kịp bưng món này lên chồng đã hối chị làm món khác. Cánh đàn ông cụng bia vô tư, cười nói rôm rả. Vỏ bia rỗng méo mó vứt lung tung khắp sàn nhà. Khách về, chị phải dọn dẹp, lau chùi. Rồi khách khác lại đến, ba ngày Tết chị phải làm việc gấp hai, gấp ba ngày thường.
Đàn ông mấy người tự nhận mình vô tâm, hờ hững với vợ. Nhưng chính họ không hề biết rằng, ba ngày Tết họ đã vô tâm với người đàn bà của mình thế nào. Tết đàn ông nào cũng thấy rảnh rang. Họ nghĩ đấy là dịp để mình ăn chơi nhậu nhẹt, triền miên trong những bữa tiệc rượu bia. Cánh đàn ông ngồi nhà trên rôm rả, ở nhà dưới vợ bận bịu nhặt rau, cắt thịt…
Tết mỗi năm mỗi khác nhưng những gánh nặng chuyện nhà cửa, bếp núc lúc nào cũng mặc định cho người đàn bà. Đàn ông quá vô tâm để nhận ra rằng, lẽ ra trong ba ngày Tết vợ mình cũng cần vui chơi, cần nghỉ ngơi chứ không phải nai lưng ra làm việc cật lực như ôsin.
Nếu muốn, đàn ông có thể xắn tay áo lên giúp vợ một tay. Bớt một vài cuộc nhậu nhẹt hay tất niên để cùng vợ dọn dẹp nhà cửa. Giá trị của Tết nằm ở giá trị tinh thần chứ không phải những bữa ăn ê hề, rượu bia chảy tràn trên bàn… Đàn ông à, xin đừng vô tâm với những bận bịu, lo toan của người đàn bà bên cạnh mình.