Thêm vắc xin 5 trong 1 miễn phí có nguồn gốc từ Ấn Độ

Sống khỏe 26/05/2019 13:27

Sau một số ca tử vong khi tiêm vắc xin ComBe Five do Ấn Độ sản xuất, Bộ Y tế quyết định dùng thêm loại khác cũng có nguồn gốc từ quốc gia này.

Thời gian qua, việc triển khai sử dụng vắc xin ComBe Five (do Ấn Độ sản xuất) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc xin Quinvaxem khiến nhiều trẻ gặp phản ứng phụ, thậm chí tử vong. Vì vậy, Bộ Y tế quyết định sử dụng thêm vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất.

Theo Bộ Y tế, thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh của vắc xin này tương đương ComBE Five, đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9/2018.

DPT-VGB-Hib được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia.

Thêm vắc xin 5 trong 1 miễn phí có nguồn gốc từ Ấn Độ - Ảnh 1
Trẻ được tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (SII) tại Trạm Y tế xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, ngày 25/5. Ảnh: PV.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có cả 2 loại vắc xin 5 trong 1 nói trên, đảm bảo đủ nhu cầu trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ.

Ngày 25/4, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất tại 6 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Kon Tum, thời hạn từ tháng 5 đến tháng 7.

Bộ Y tế khuyến cáo đây là vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào, do vậy phản ứng sau tiêm sẽ tương tự ComBe Five, Quinvaxem. Do đó, cha mẹ cần theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. 

Điều gì xảy ra nếu trẻ không được tiêm phòng vắc xin?

Người chưa miễn dịch có thể mắc bệnh với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, bất kể “sống thuận theo tự nhiên” hay không.

TIN MỚI NHẤT