Sài Gòn nắng nóng, gần 11.000 trẻ em vào viện mỗi ngày

Sống khỏe 30/03/2019 08:23

Theo các bác sĩ, cơ thể trẻ nhỏ thường rất yếu nên dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và tia cực tím.

Chiều 29/3, bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận bình quân khoảng 5.000 đến 5.500 bệnh nhi khám bệnh và hơn 200 bệnh nhi nhập viện điều trị mỗi ngày. số ca khám tiêu hóa và hô hấp trong những ngày nắng nóng tăng đáng kể.

Đối tượng tập trung chủ yếu là các bệnh tiêu hóa (chiếm 8%) và hô hấp (chiếm 10-15%). Dự báo trong thời gian tới, dưới tác động của nắng nóng, số lượng bệnh nhi nhập viện có thể tăng lên đáng kể.

Sài Gòn nắng nóng, gần 11.000 trẻ em vào viện mỗi ngày - Ảnh 1

Hai bệnh viện chuyên khoa nhi lớn tại Sài Gòn mỗi ngày tiếp nhận gần 11.000 trẻ nhập viện. Ảnh: Lê Quân

Theo bác sĩ Hoàng, do sự tác động của nắng nóng và tia cực tím, cơ thể trẻ nhỏ thường rất yếu nên rất dễ bị ảnh hưởng. Trong đó, một số vấn đề về sức khỏe thường gặp là rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều. Tim, phổi hoạt động nhiều, hệ miễn dịch suy giảm nên khả năng chống chọi với vi khuẩn của trẻ giảm.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Bác sĩ Lê Công Thiên, Phó trưởng khoa Khám bệnh, cho hay số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng 10-15% so với các tháng trước. 

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho vi khuẩn phát triển rất nhanh hơn từ 4-8 lần, thức ăn bị ôi thiu, các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián cũng phát triển nhiều nên dễ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể.

Sài Gòn nắng nóng, gần 11.000 trẻ em vào viện mỗi ngày - Ảnh 2

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng gắt. Ảnh: Lê Quân

Sài Gòn đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ lên đến 37-39 độ C, chỉ số tia UV đang vượt ngưỡng cho phép, bác sĩ Hoàng khuyến cáo trẻ em hạn chế ra đường vào khung giờ 10h sáng đến 14h chiều.

Khi tiếp xúc với ánh nắng từ 10-50 phút, cơ thể sẽ xảy ra các xáo trộn như mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn. Các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí có thể gây tổn thương não.

Bác sĩ Hoàng cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1, từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì sảng nhiệt do đưa đến viện quá muộn. Nếu phát hiện trẻ bị sảng nhiệt, sốc nhiệt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ vào nơi mát mẻ để hạ nhiệt, cho trẻ uống nước mát, không chườm đá. Nếu tình trạng nặng, gia đình phải đưa trẻ đến bệnh viện.

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao người dân cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng lâu.

Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ một lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến vì nắng nóng

Mấy ngày qua, TP HCM và các tỉnh phía Nam đang có những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Vì vậy, số lượng bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi, đột quỵ, sốc nhiệt, đặc biệt là bệnh liên quan đến tiêu hóa tăng cao đột biến.

TIN MỚI NHẤT