Một người mắc viêm gan B thường phải đối mặt với việc điều trị lâu dài, thậm chí đến hết đời với gánh nặng chi phí điều trị rất lớn. Để tự phòng bệnh, mọi người đừng quên điều dưới đây.
- 4 yếu tố không ngờ có thể gây viêm gan B: Hầu hết mọi người đều có thể mắc mà không biết
- Mẹ viêm gan B, con sinh ra có bị lây?
Chi phí điều trị khổng lồ
Phát hiện mắc viêm gan B đến nay đã 10 năm, bác Nguyễn Thị L (47 tuổi, Hà Nam) chia sẻ: “Tôi nằm đây đến nay là gần 1 tháng, muốn xin về nhưng chưa được. Nằm đây, riêng tiền thuốc thang tiêm uống hàng ngày đã hơn 3 triệu, gia đình khó khăn nên không kham nổi ”. Đây không phải là tình trạng của riêng bác L mà là vấn đề chung của hàng triệu người Việt khi phải điều trị căn bệnh viêm gan B.
Theo BS Đỗ Duy Cường Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), một người mắc viêm gan B thường phải đối mặt với việc điều trị lâu dài, thậm chí đến hết đời với gánh nặng chi phí điều trị rất lớn.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng hơn 15 triệu người mắc viêm gan B, trong đó, phần lớn là viêm gan B mạn tính. Người mắc viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là viêm gan B thể ngủ) và viêm gan B thể hoạt động.
Nếu virus “ngủ yên”, không nhân lên, bệnh không đáng lo ngại ngoài việc, người bệnh phải tầm soát bệnh thường xuyên, duy trì lối sinh hoạt khoa học. Khi virus ở thể hoạt động, gây ra tổn thương tế bào gan, người bệnh buộc phải điều trị tích cực theo phác đồ với thuốc nhằm kìm hãm sự phát triển của virus viêm gan, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Những bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng virus phải bỏ ra trung bình từ 4 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, (tương đương 60-200 triệu mỗi năm) để điều trị nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của virus đến gan, chưa kể đến chi phí cho các xét nghiệm liên quan. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam năm 2018 chỉ đạt mức 58,5 triệu đồng. Với hơn 8 triệu ca mắc viêm gan B mạn tính, hơn 3000 tỉ đồng của người Việt đã “không cánh mà bay”.
Điều đáng nói là, căn bệnh này hiện vẫn chưa có giải pháp chữa dứt điểm. Các loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của virus mà không có khả năng tiêu diệt loại virus này. Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải chấp nhận thời gian điều trị kéo dài, có thể là 1-2 năm, thậm chí lên đến vài chục năm hoặc cả đời.
Bên cạnh đó, thói quen không kiểm tra sức khỏe thường xuyên, sự thiếu hiểu biết và tâm lý chủ quan trước bệnh cũng đang tác động không nhỏ đến chi phí mỗi người cũng như xã hội phải bỏ ra để khống chế căn bệnh này. Đã đến lúc, nhận thức của toàn dân về viêm gan B phải được cải thiện song song với tốc độ phát triển kinh tế cũng như trình độ dân trí ngày càng được nâng cao.
Điều cần làm để phòng tránh viêm gan B
Để giảm đi chi phí điều trị viêm gan B, điều quan trọng bậc nhất là phải nâng cao được nhận thức của toàn dân về bệnh, từ đó ngăn chặn sự lây lan của bệnh cũng như giúp người dân điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. May mắn là, hiện nay chúng ta đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này. Bởi vậy, việc làm đầu tiên và quan trọng nhất để giảm tác hại của viêm gan B đến mỗi người là tiêm phòng. Đặc biệt là tiêm phòng ngay, đủ cho những người sống xung quanh người bệnh. Làm tốt công tác tiêm chủng là đã khống chế được căn bệnh này không tăng lên về số người mắc.
Bên cạnh tiêm phòng, mỗi người cần tự ý thức về sự nguy hiểm của bệnh bằng cách khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để tầm soát bệnh. Khi phát hiện mắc bệnh phải tuyệt đối giữ gìn lối sinh hoạt khoa học, tránh bia rượu và các tác nhân có hại khác để virus “ngủ yên”, không gây hại cho gan. Nếu buộc phải điều trị, người bệnh cũng cần tìm đến các trung tâm y tế, không điều trị tùy tiện sẽ có thể tạo thêm gánh nặng cho gan, khiến bệnh nặng thêm.
Hiện nay, Bảo hiểm y tế đã chi trả cho bệnh viêm gan B. Do vậy, mỗi người dân cũng có thể hạn chế chi phí cho căn bệnh này bằng cách mua bảo hiểm y tế. Qua đó, gánh nặng kinh tế được san sẻ, việc điều trị bệnh dễ dàng đạt hiệu quả hơn.
Bài toán đẩy lùi virus viêm gan B rõ ràng không phải là bài toán ngày một ngày hai. Tuy nhiên, bằng những hành động thiết thực, không khó để mỗi người “miễn nhiễm” với căn bệnh này. Muốn như vậy, toàn xã hội đều cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa với sức khỏe của mình, của người thân và cả cộng đồng bằng các hoạt động thiết thực, trong đó có hưởng ứng lời kêu gọi Hội Gan mật Việt Nam: “Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan”.