Mùa mua sắm cuối năm đã bắt đầu diễn ra rầm rộ trên khắp các nền tảng từ offline đến online. Nếu không tình táo, người tiêu dùng rất dễ "cháy túi" vì những món đồ không cần thiết.
- Anh nông dân lấy tiểu thư Ý đẹp như 'thần tiên tỷ tỷ' lại còn biết làm ruộng, sinh 2 con đẹp như thiên thần
- Nữ giảng viên tiếng Nhật hot nhất thời điểm hiện tại: Không chỉ xinh đẹp mà còn sở hữu profile khủng
Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian vàng để các cửa hàng, siêu thị, thương hiệu thời trang, cửa hàng làm đẹp kiếm bội tiền nhờ các chiến lược khuyến mãi, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chính những chương trình khuyến mãi có thể khiến người tiêu dùng rơi vào “bẫy” mua sắm khiến bản thân “cháy túi” vì những món đồ không cần thiết.
Các chương trình khuyến mãi rầm rộ
Mua 1 tặng 1, giảm giá cực sốc tại các cửa hàng, siêu thị hay flash sale trên các sàn thương mại điện tử là những chương trình khuyến mãi không còn xa lạ dịp cuối năm.
Các chiến lược khuyến mãi khiến người tiêu dùng bước vào cửa hàng hay mua hàng online với tâm lý tập trung vào săn và trả giá chứ không phải vào sản phẩm mình thật sự cần. Thậm chí, người mua cũng không thể biết giá khuyến mãi cuối năm đã là giá tốt nhất hay chưa.
Không ít trường hợp khách hàng đã “mắc bẫy” với ưu đãi mua 1 tặng 1 vì cứ nghĩ sẽ tặng sản phẩm cùng giá hoặc cùng loại mình mua, thế nhưng sự thật thì bạn chỉ được tặng kèm một món giá trị nhỏ hơn hoặc thậm chí là một món đồ không liên quan. Đôi khi, món đồ mua 1 tặng 1 thường sẽ cao hơn những món riêng lẻ (vì đã được được cộng thêm giá món được tặng).
Ngoài ra, có một thực tế được các chuyên gia tài chính chỉ ra thông qua những chương trình khuyến mãi tại cửa hàng và trên các sàn thương mại điện tử là đôi khi đợt giảm giá giữa năm (30/4, 1/5 hoặc 2/9) lại có giá tốt hơn hẳn dịp cuối năm.
Điều này là bởi khoảng thời gian cuối năm, sự cạnh tranh cao giữa các thương hiệu tăng cao, chi phí cho những thứ liên quan như marketing, chạy quảng cáo sẽ leo thang. Vì vậy, người tiêu dùng khó mà mua sản phẩm với giá giảm tốt nhất.
Mua sắm theo cảm xúc
Nhiều người xem việc mua sắm cuối năm như giải pháp tâm lý hữu ích giúp giải tỏa căng thẳng và làm mới bản thân trong năm mới. Tuy nhiên, thói quen này lại chẳng “thân thiện” với túi tiền chút nào.
Nhất là trong thời điểm các chương trình khuyến mãi cuối năm luôn hấp dẫn, nhiều người dùng mắc phải sai lầm mua những món hàng mình định mua trước đó nhưng thực tế ngay tại thời điểm mua lại không thật sự thích nó. Dường như tâm lý người dùng luôn muốn sở hữu những món đồ yêu thích và thường nghĩ rằng trước sau gì mình cũng sẽ dùng đến nên mua về trước đã.
Hiệu ứng tâm lý này dễ dàng khiến người dùng không thể kiểm soát khi đứng trước một món đồ mình thích và dễ dàng “vung tay quá trán”. Thêm vào đó, không khí mua sắm cuối năm khiến nhiều người mua hàng theo xu hướng. Chẳng hạn khi thấy mọi người đều mua một mẫu áo khoác để mặc Tết, chúng ta cũng sẽ mua kiểu áo đó dù nó không thực sự hợp với mình.
Vì vậy, trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên cân nhắc xem nhu cầu có thực sự cần đến món hàng giảm giá đó hay không để định hình rõ sản phẩm mình định chọn.
Tâm lý đam mê “limited edition”
Phiên bản giới hạn (hay limited edition) là một chiến lược tiếp thị tuyệt vời để các doanh nghiệp thu hút khách hàng mùa mua sắm cuối năm. Thời điểm này, các nhãn hàng đều tung ra mẫu sản phẩm giới hạn, đặc biệt dành riêng cho mùa lễ hội với phần bao bì bắt mắt và cực kì mời gọi. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, các mẫu sản phẩm bản giới hạn phần lớn đều “bình mới rượu cũ”.
Điểm khiến các sản phẩm này thu hút khách hàng là nó mang lại cảm giác độc quyền vì các sản phẩm có số lượng ít và chỉ được bày bán thời gian ngắn. Khách hàng tin rằng mình sẽ trở nên nổi bật hơn những người khác khi dùng bản giới hạn nên họ mua chúng.
Ngoài ra, phiên bản giới hạn cũng là cách các thương hiệu thu hút người tiêu dùng. Ngay cả khi khách hàng không đủ tiền mua những phiên bản giới hạn, họ cũng dễ sa vào những sản phẩm cùng thương hiệu với giá rẻ hơn như một cách để thoả mãn nhu cầu mua sắm.
Tâm lý mua tích trữ
Cac chương trình giảm giá cùng mong muốn chuẩn bị đầy đủ cho lễ Tết khiến nhiều người nảy sinh tâm lý mua tích trữ. Việc mua quá nhiều thực phẩm trong những ngày lễ Tết, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình mà còn gây lãng phí.
Tốt nhất hãy tính toán lượng thực phẩm phù hợp với thành viên trong gia đình để dự trữ đồ ăn. Không nên mua sắm quá nhiều bởi dù là dịp lễ Tết nhưng hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đều mở cửa xuyên Tết Dương lịch và khoảng mùng 2 Tết Nguyên đán.