Tạo không gian an toàn cho trẻ em trong nhà ở

Ngắm con yêu mỗi ngày 15/05/2019 05:30

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ có con nhỏ là làm thế nào để bố trí cho các bé một không gian sinh hoạt và vui chơi sao cho phù hợp với tâm lý của trẻ, vừa giúp bé phát huy trí tưởng tượng cùng các kỹ năng học hỏi và sáng tạo nhưng cũng đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Đây cũng là một chủ đề được quan tâm bởi nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế và các chuyên gia y tế, nhất là khi các tai nạn xuất phát từ việc trẻ em tiếp xúc với những đồ vật kém an toàn trong nhà vẫn không ngừng xảy ra. “Tôi đã gặp phải nhiều trường hợp các bé bị chuyển đến phòng cấp cứu vì chọc tay vào ổ điện” - lời chia sẻ dành cho các bậc cha mẹ của bác sĩ Ben Hoffman đến từ khoa Nhi thuộc Đại học Y dược và Khoa học Oregon ở Portland, bang Oregon (Mỹ).

Các nguyên tắc cơ bản

Mỗi khi lựa chọn đồ nội thất, vải vóc và các vật dụng sẽ được bố trí trong phòng của trẻ, hãy đảm bảo rằng tất cả các bề mặt và vật liệu của chúng được làm từ những thành phần không độc hại và phù hợp với lứa tuổi của bé. Bàn ghế cần được đặt cách xa cửa sổ và kệ tủ để các bé không leo trèo nguy hiểm. Hạn chế tối đa những vật dụng sau trong tầm với của trẻ:

- Vật dụng có nhiều góc hoặc cạnh sắc nhọn.

- Những đồ vật nhỏ với kích cỡ có thể nuốt vào miệng được.

- Vật dụng dễ vỡ.

- Những vật dụng quá nóng, có nhiệt độ cao hoặc có thể gây phỏng.

- Những vật dụng gắn liền với dây điện.

Tạo không gian an toàn cho trẻ em trong nhà ở - Ảnh 1

Một số loại thảm, màn cửa hoặc giấy dán tường có thể làm phát tán vài loại khí hoặc sợi tổng hợp có khả năng làm bẩn không khí trong phòng, gây hại cho phổi và đường thở của bé. Do vậy, thiết kế phòng của trẻ cần đảm bảo không khí bên trong được luân chuyển, thông thoáng và lọc được bụi bẩn. Các bề mặt trong phòng nên được làm từ những vật liệu có thể dễ dàng được lau chùi sạch sẽ mà không phải dùng đến những hóa chất tẩy rửa có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ưu tiên các vật liệu có khả năng hạn chế sự bám dính hoặc tích tụ của vi trùng, vi khuẩn và bụi bẩn.

Bàn ghế, giường và tủ cần có kích cỡ phù hợp với trẻ. Chẳng hạn, chiếc ghế phải có kích thước sao cho bé có thể ngồi vào đó một cách dễ dàng và thoải mái, không phải chật vật hay lo sợ té ngã mỗi khi lên ghế hoặc xuống ghế. Tương tự, bàn ăn hoặc bàn học cần có chiều cao phù hợp để trẻ có thể ngồi đúng tư thế và không phải rướn người. Bàn ghế phải chắc chắn và đủ độ bền để trẻ có thể dùng lâu dài, không bất ngờ bị nứt hoặc gãy trong quá trình sử dụng.

Ánh sáng tự nhiên, cây cỏ và những màu sắc tươi sáng giúp tạo ra một không gian tích cực và đầy sức sống để các bé được thỏa sức vui chơi, hoạt động, nâng cao khả năng học hỏi và sáng tạo. Hiển nhiên, những màu sắc và cây cỏ bố trí trong phòng cần được lựa chọn trên cơ sở phản hồi của của các bé đối với chúng, bởi mỗi bé sẽ có cơ địa và ý thích khác nhau đối với những điều này. Bên cạnh đó, hãy bố trí đồ đạc trong phòng của trẻ sao cho rộng rãi và thông thoáng để các bé có thể chơi đùa một cách an toàn. Cửa ra vào và các hộp tủ cần được thiết kế sao cho dễ đóng mở. Đồ chơi và những đồ vật mà trẻ thường sử dụng cần được cất trong những chiếc rổ hoặc túi treo sao cho các bé dễ lấy. Không gian vui chơi và góc học tập cần phải đủ rộng để trẻ có thể tương tác với các anh chị em hoặc bạn bè đồng trang lứa đến chơi - những hoạt động cần thiết cho sự phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội của bé.

Tạo không gian an toàn cho trẻ em trong nhà ở - Ảnh 2

Giường cũi cho trẻ nhỏ cần đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế mới nhất về an toàn

 Về bài trí phòng ngủ

Lựa chọn giường cũi phù hợp với trẻ: giường cũi cho trẻ nhỏ cần đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế mới nhất về an toàn, để trẻ có thể nằm và di chuyển thoải mái mà không sợ té ngã hay mắc kẹt. Không dùng các mẫu giường cũi đã lỗi thời hoặc chưa được khắc phục các khuyết điểm về an toàn cho trẻ. Giường cũi cần phải có cấu trúc chắc chắn, vững chãi và đã thông qua kiểm nghiệm.

Chỗ ngủ của trẻ cần đơn giản nhất có thể: “Giường ngủ cho trẻ em dưới hai tuổi không nên có gối ôm, đồ chơi, các loại gối có độ nhún cao, hoặc chăn mền quá lớn hay nặng nề, bởi chúng có thể gây nguy hiểm cho các bé” - lưu ý của bác sĩ Ben Hoffman.

Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ té ngã: “Khung cũi cần đủ cao và phần nệm cần đủ thấp để trẻ không thể tự trèo ra ngoài ở tư thế đứng”, bác sĩ Hoffman chia sẻ. Cũng theo ông, nếu phòng của trẻ ở trên lầu và có cửa sổ, chúng ta cần khóa chặt cửa sổ hoặc thay thế bằng khung cửa kính đóng kín và cố định để bé không thể tự ý mở hay trèo ra ngoài. Với trẻ em dưới hai tuổi, không nên để bé một mình với những chiếc bàn hoặc ghế có thể xếp gọn hoặc thay đổi cấu trúc. “Ngay cả những em bé hai tuần tuổi cũng vẫn có thể tò mò, táy máy những vật dụng đó để rồi bị kẹp tay hoặc tự ngã lăn xuống đất và chấn thương”, bác sĩ Hoffman cảnh báo.

Gia cố những đồ đạc có kích thước lớn: “Kệ sách hoặc tủ quần áo là vài thứ đồ đạc hấp dẫn và nguy hiểm đối với những bé có sở thích leo trèo”, bác sĩ Hoffman khuyên chúng ta. Hãy gia cố những vật dụng này vào tường bằng bản giằng để hạn chế khả năng gây nguy hiểm của chúng đối với trẻ.

Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy: sau đây là một vài lời khuyên đáng tham khảo từ Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy Hoa Kỳ:

- Lắp đặt thiết bị báo cháy bên trong phòng của trẻ và ở ngoài dãy hành lang đi qua căn phòng đó.

- Nếu phòng của trẻ ở tầng hai, cần bố trí thang thoát hiểm ở gần cửa sổ và hướng dẫn cho trẻ lớn cách sử dụng nó khi có trường hợp khẩn cấp.

- Hướng dẫn cho trẻ cách xử trí mỗi khi có tình huống khẩn cấp trong nhà, và thống nhất một địa điểm dễ tìm bên ngoài ngôi nhà để các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng chạy ra và gặp nhau nếu xảy ra hỏa hoạn.

Thận trọng với dây điện: thống kê cho thấy dây điện gần cửa sổ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ bị tai nạn ngạt thở. “Không nên bố trí dây điện hay ổ điện gần cửa sổ”, lời khuyên của nhà thiết kế Nancy Barrett đến từ Hiệp hội Các nhà Thiết kế nội thất Hoa Kỳ. Nếu không, bạn có thể bố trí thêm các thiết bị bao phủ dây điện hoặc cập nhật những công nghệ mới nhất liên quan đến an toàn về dây điện.

Che phủ ổ cắm điện: tai nạn trẻ em liên quan đến ổ điện không phải hiếm. Theo bác sĩ Hoffman, giải pháp tốt nhất chính là đảm bảo ổ điện luôn trong tình trạng được cắm cùng thiết bị che phủ. Mỗi khi cần phải cắm điện, hãy đảm bảo rằng các dây điện được cắm chắc chắn kèm với đầy đủ sự che phủ để trẻ không thể giật dây điện hoặc cho tay vào ổ điện.

Tạo không gian an toàn cho trẻ em trong nhà ở - Ảnh 3

Loại bỏ mọi tác nhân có thể khiến trẻ ngạt thở: “Bất cứ đồ vật nào có kích cỡ đủ nhỏ để trẻ có thể nuốt vào đều có thể gây nguy hiểm cho trẻ”, bác sĩ Hoffman cảnh báo.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng các bé sẽ lớn rất nhanh; do vậy, hãy ưu tiên những giải pháp linh hoạt và tiết kiệm chi phí cho thiết kế phòng của trẻ. Hãy đảm bảo rằng phòng của bé có diện tích sử dụng đủ rộng để có đủ không gian dự phòng cho những sự thay đổi theo độ tuổi của trẻ về sau (chẳng hạn, khi trẻ đến tuổi đi học, các bé sẽ cần thêm diện tích cho góc học tập, để bố trí thêm sách vở hoặc dụng cụ chơi thể thao…).

TIN MỚI NHẤT