Nhiều lao động nghèo tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) dắt díu con thơ theo đường mòn Hồ Chí Minh vượt hàng nghìn km từ Bình Dương về quê nhà bằng xe gắn máy.
- Hà Nội: Từ 22/7 sẽ cách ly tập trung tất cả những người về từ các địa phương có dịch
- TP.HCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho hơn 3.200 thí sinh
Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Nghệ An Dương Đình Chỉnh sáng 22/7 thông tin, hàng chục lao động Nghệ An từ tỉnh Bình Dương đã về đến quê nhà vào ngày hôm qua (21/7) bằng xe gắn máy.
"Những công dân này hoàn cảnh khó khăn, trên đường đi chỉ uống nước và ăn lương khô, bánh mỳ, rất tội. Có người mang theo cả hai con nhỏ. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn họ khai báo y tế, test nhanh, thực hiện cách ly theo quy định" - ông Chỉnh nói.
Trước đó, sáng 21/7, 9 công dân (7 người lớn, 2 trẻ em) đến chốt kiểm soát dịch xã Hồng Tiến (huyện Kỳ Sơn) khai báo. Nhóm người này đi xe máy từ tỉnh Bình Dương sáng 18/7 theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, sau 3 ngày thì về đến nơi. Dịch bệnh khó khăn, không có thu nhập, những lao động nghèo này chuẩn bị nước cùng đồ ăn khô quyết định về quê. Họ thường trực trên tuyến đường mòn, mệt trải chiếu nghỉ bên đường, không ghé quán ăn hay nhà nghỉ trên suốt hành trình.
"Ở lại cũng không có việc làm, tiền hết, bữa ăn bữa nhịn. Tội mấy đứa nhỏ, có khi đến mấy tuần không biết đến tý thịt, rau khoai trừ bữa. Gia đình em quyết định về quê bằng xe máy để tiết kiệm chi phí, khi nào dịch dã ổn rồi tính tiếp" - chị L.T.T., xã Đoọc Mạy giọng trầm buồn chia sẻ.
Những lao động nghèo đã vượt hàng nghìn km đường mòn Hồ Chí Minh trở về quê
Chiều 21/7, huyện biên giới Kỳ Sơn đón thêm 12 lao động di chuyển bằng xe máy từ Bình Dương về quê. Những người lao động này vi cuộc sống mưu sinh phải rời bỏ quê hương, vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Dịch bùng phát, việc làm không có, những đồng tiền dành dụm ít ỏi dần cạn kiệt, ở lại không biết bấu víu vào đâu, họ quyết định trở lại cố hương bằng xe gắn máy.
"Cuộc sống khó khăn, cả nhà em dắt díu nhau vào miền Nam làm thuê được mấy năm nay. Khi chưa có dịch còn tằn tiện sống kham khổ qua ngày được, giờ mất việc làm, đúng thật "tiến thoái lưỡng nan". Thôi về quê rau củ sẵn vườn nhà, còn hơn bám trụ trong Nam cũng không phải là cách hay", anh L.Y.M. xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) thở dài.
Không chỉ anh M., dịch bệnh hoành hành, nhiều lao động tha hương làm ăn tại các tỉnh phía Nam buộc phải tìm cách trở về quê nhà, bởi ở lại cũng không có việc làm, lương không có, tiền sinh hoạt, thuê trọ chửng biết bấu víu vào đâu.
Trước đó, câu chuyện 4 mẹ con lao động nghèo quê huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do cuộc sống khó khăn bởi dịch bệnh, không có tiền mua vé ô tô đã quyết định đạp xe đạp từ tỉnh Đồng Nai trở về quê. Hình ảnh hai chiếc xe đạp chở theo 4 phận đời đáng thương vượt quãng đường hàng nghìn km về quê làm nhiều người xúc động. Một số nhà hảo tâm biết chuyện đã hỗ trợ cho họ chút lộ phí, mua vé tàu giúp đỡ họ trở về quê.
Hình ảnh 4 mẹ con quê Nghệ An đạp xe hàng ngàn km từ Đồng Nai về quê gây xúc động mạnh
Tỉnh Nghệ An vừa ban hành kế hoạch số 396/KH-UBND về việc đón công dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trở về từ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam có nhu cầu cấp thiết trở về địa phương nơi cư trú.
Theo đó, tỉnh Nghệ An ưu tiến đón trước đối tượng là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai; lao động tự do, người mất việc làm; người mắc kẹt do thăm thân, công tác; học sinh, sinh viên...
Đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại, cách ly tập trung theo quy định của Chính phủ. Đối tượng còn lại tự túc kinh phí đi lại, cách ly, xét nghiệm.
Công dân Nghệ An từ các tỉnh, thành phía Nam có nhu cầu trở về quê có thể đăng ký qua các hình thức: Website Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An; Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội đồng hương Nghệ An tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam; Sở LĐ,TB&XH các tỉnh.
Người dân khi trở về sẽ được cách ly tập trung 14 ngày tại các khu cách ly tập trung của quân đội, các huyện, thành phố, thị xã quản lý hoặc tại các cơ sở cách ly dịch vụ có thu phí theo đăng ký. Công dân cách ly tại nhà 07 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.