Dạy trẻ tự lập đòi hỏi một quá trình lâu dài và quan trọng là phải rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ.
Vấn đề dạy trẻ tự lập chưa bao giờ trở nên cấp bách như hiện nay. Quá trình này đòi hỏi cha mẹ phải truyền dẫn được cho con những thói quen hỗ trợ trẻ trong nỗ lực tự thân, biết tin tưởng vào khả năng của mình và biết rõ rằng, dù bất cứ chuyện gì, trẻ hoàn toàn có thể tìm ra cách giải quyết.
Những thói quen nuôi dạy con dưới đây đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh sẽ giúp ươm mầm cho tính tự lập của trẻ.
1. Cho trẻ làm việc
Có sự đồng thuận chung giữa các chuyên gia rằng trẻ học hỏi tốt nhất khi tự mình làm mọi thứ. Khao khát tự lập mang tính bẩm sinh và xảy ra từ khá sớm. Thậm chí với trẻ lên 2 đã có thể bắt đầu phát huy tính tự lập của mình.
Khi lớn lên, trẻ ngày càng đạt được mức độ tự lập cao hơn và có thể làm nhiều hơn cả những gì mà hầu hết phụ huynh tin tưởng. Theo một nghiên cứu mới đây do do công ty nghiên cứu Braun tiến hành, cho trẻ làm các công việc thông thường mang lợi ích lâu dài về mặt học thuật, xã hội, cảm xúc và nghề nghiệp.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, trẻ càng được giao việc nhà sớm (bắt đầu từ 3 tuổi), trẻ càng có cơ hội trở nên tự lập và tự chủ hơn. Tinh thần trách nhiệm của trẻ cũng sẽ cao hơn và trẻ có xu hướng học tập tốt hơn ở trường.
Hãy khích lệ con bạn tham gia vào những hoạt động phù hợp với lứa tuổi nhưng không được so sánh con với trẻ khác. Nếu con có vẻ gặp khó khăn, hãy kiên nhẫn. Đề xuất những hoạt động khác nhau cho trẻ. Nếu con bạn khăng khăng không chịu và luôn đòi bạn làm hộ bé những thứ bé có thể tự làm, hãy đề nghị bé tham gia khi bạn thực hiện những việc đó. Ví dụ, bạn hãy yêu cầu con bắt đầu làm một nhiệm vụ nào đó và bạn sẽ giúp bé hoàn tất.
2. Mua cho con ít đồ chơi hơn
Càng nhiều đồ chơi, trẻ càng giảm khả năng tự chơi và tăng nguy cơ phụ thuộc vào người lớn để tránh cảm giác lo âu, bồn chồn. Các nhà nghiên cứu đến từ Trường Kinh tế John Hopkins Carey và Đại học Illinois, Mỹ đã chứng minh được rằng, sự thiếu thốn tốt hơn so với thừa thãi và đây chính là yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo ở trẻ. Một nghiên cứu trước đó cũng đi đến kết luận tương tự: quá nhiều đồ chơi sẽ kìm hãm tính sáng tạo của trẻ.
Một trong những cách để giảm số lượng đồ chơi cho con là thực hành quy tắc 20 đồ chơi. Con sẽ chọn 20 món đồ chơi mà mình muốn giữ, phần còn lại sẽ được đem bán hoặc quyên góp làm từ thiện. Có thể sẽ rất khó khăn cho trẻ khi buộc phải từ bỏ nhiều đồ chơi đến vậy, do đó, hãy bắt đầu từ số lượng nhỏ. Ví dụ, bạn có thể đề nghị con lựa chọn tất cả những đồ chơi mà con không còn chơi nữa. Hoặc đề nghị con chọn ra tất cả những món đồ chơi bị vỡ và xếp sang một bên. Một chiến lược khác có thể áp dụng là đề nghị con chọn những thứ yêu thích nhất và hãy làm rõ với con rằng, chúng sẽ luôn thuộc về trẻ.
3. Đặt ra những kỳ vọng lớn lao
Con cái của những bậc cha mẹ ít kỳ vọng có thể đánh mất sự tự tin trong việc phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn. Một báo cáo năm 2016 do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế công bố, đánh giá thấp lượng kiến thức mà trẻ nên học hỏi sẽ trói buộc trẻ vào một cuộc sống ít thành tựu.
Nhiều bằng chứng khác cho thấy, trẻ em cần sự hướng dẫn mang tính chính xác, có căn cứ từ những người có thẩm quyền. Cha mẹ có quyền uy không phải là cha mẹ độc đoán, chuyên chế. Làm cha mẹ theo phong cách "quyền uy" là tìm ra sự cân bằng đúng đắn giữa nhu cầu của cha mẹ và nhu cầu con cái.
Cha mẹ có uy biết cách khích lệ con cái thể hiện bản thân và nhận ra nhu cầu tự do ý chí của trẻ. Họ cũng rất quyết đoán và đặt kỳ vọng cao cho con cái. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phong cách nuôi dạy con ảnh hưởng tới khả năng thể hiện và thành công tương lai của trẻ.
Hãy nâng tầm kỳ vọng dành cho con một cách từ từ. Bạn hiểu con mình và bạn biết khi nào trẻ không nỗ lực hết sức làm một việc gì đó. Hãy để trẻ biết mình được kỳ vọng những gì và để trẻ biết mình được yêu cầu phải cố gắng nhiều hơn. Đặt ra những kỳ vọng thực tế và đảm bảo rằng, bạn sẽ giúp con có được những công cụ nhằm đáp ứng kỳ vọng ấy.