Bác sỹ sản khoa bật mí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư niêm mạc tử cung

Sống khỏe 22/01/2018 05:10

Ung thư nội mạc tử cung có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, tỉ lệ phát bệnh cao ở khoảng 59 - 61 tuổi, khoảng 50 - 70% phụ nữ mắc bệnh sau khi mãn kinh.

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội chia sẻ rộng rãi hình ảnh và câu chuyện về cô gái Dương Thị Huyền Trang (SN 1995, đang là sinh viên năm 4 của đại học Y Thái Nguyên) không may bị ung thư niêm mạc tử cung.

Câu chuyện khiến rất nhiều người thương xót bởi sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, em sẽ mất đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Bác sỹ sản khoa bật mí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư niêm mạc tử cung - Ảnh 1
Dương Thị Huyền Trang và bác sĩ Trần Vũ Quang.

Liên quan đến sự việc cụ thể trên, nhiều chị em phụ nữ cùng có chung câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến ung thư niêm mạc tử cung?

Trao đổi với PV, BS Trần Vũ Quang – Khoa Sản – Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương cho hay:

"Ở Việt Nam, những trường hợp mắc bệnh như em Trang không phải là hiếm. Hiện tại bệnh này không được chị em quan tâm nên họ không đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và chữa trị kịp thời".

1. Ung thư niêm mạc tử cung là gì?

Ung thư niêm mạc tử cung là khối u ác tính phát sinh tại tuyến nội mạc tử cung, là một trong những u ác tính ở cơ quan sinh dục nữ, chiếm 7% tổng số ung thư ở nữ giới, chiếm 20 - 30% u sinh dục ác tính.

Ung thư nội mạc tử cung có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, tỉ lệ phát bệnh cao ở khoảng 59 - 61 tuổi, khoảng 50 - 70% phụ nữ mắc bệnh sau khi mãn kinh.

2. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư niêm mạc tử cung

Hiện tại khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư niêm mạc tử cung. Các yếu tố nguy cơ của ung thư nội niêm mạc tử cung gồm:

- Điều trị nội tiết tố thay thế trong đó vai trò của estrogen được xếp hàng đầu

Các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này với liều cao trong một thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư niêm mạc tử cung. Rụng trứng không đều, dậy thì sớm, mãn kinh muộn và vô sinh tăng nguy cơ nhẹ.

Ung thư niêm mạc tử cung liên quan trực tiếp và tỷ lệ thuận với sự tăng nồng độ estrogen nội sinh cũng như ngoại sinh, cùng với thời gian kích thích kéo dài.

Tỷ lệ ung thư niêm mạc tử cung cao gấp 4 tới 8 lần ở những phụ nữ mãn kinh có sử dụng estrogen thay thế và trong hội chứng buồng trứng đa nang.

- Tuổi tác

Tuổi trung bình của phụ nữ bị ung thư là từ 50 - 70 tuổi, khoảng dưới 5% các trường hợp ung thư niêm mạc được chẩn đoán trước 40 tuổi.

Trước thời kỳ mãn kinh, nếu có kinh nguyệt ra nhiều không rõ nguyên nhân thì có khoảng 10% bệnh nhân sẽ có ung thư niêm mạc tử cung về sau.

Bác sỹ sản khoa bật mí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư niêm mạc tử cung - Ảnh 2
Tuổi thọ của con người ngày càng tăng, do đó ra máu âm đạo bất thường sau mãn kinh do ung thư niêm mạc tử cung cũng ngày càng nhiều.

- Béo phì

Béo phì làm tăng cường chuyển hóa Androstenedio ở tổ chức mỡ dưới da gây cường Estrogen là yếu tố nguy cơ quan trọng.

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư niêm mạc tử cung cũng có nguy cơ bị ung thư niêm mạc tử cung cao hơn.

- Các nguy cơ khác bao gồm đái đường, không có con (phụ nữ không có con có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần phụ nữ có nhiều con).

- Ngày nay tuổi thọ của con người ngày càng tăng, do đó ra máu âm đạo bất thường sau mãn kinh do ung thư niêm mạc tử cung cũng ngày càng nhiều. Ở tuổi 80, ung thư niêm mạc chiếm tới 50 - 60% các trường hợp ra máu bất thường.

3. Dấu hiệu mắc bệnh chị em cần nhận biết

- Ra máu âm đạo bất thường ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh; đau bụng; khám thực thể qua thăm âm đạo, tử cung thường trở nên to hơn bình thường, tròn và mật độ mềm không đều; cổ tử cung cũng có thể mềm.

Những người già mãn kinh lâu ngày, cổ tử cung hẹp lại và hoại tử chít hẹp làm máu không chảy ra ngoài được và có thấy tử cung căng trướng.

Bác sỹ sản khoa bật mí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư niêm mạc tử cung - Ảnh 3
Cổ tử cung hẹp lại và hoại tử chít hẹp làm máu không chảy ra ngoài được và có thấy tử cung căng trướng là những dấu hiệu cho thấy mắc ung thư niêm mạc tử cung.

4. Chẩn đoán phân biệt và phân loại

Chẩn đoán phân biệt

- Trong giai đoạn tiền mãn kinh phải chẩn đoán phân biệt với thai nghén như: Chửa thường, chửa trứng, chửa ngoài dạ con.

- Phân biệt với u xơ tử cung, sản nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, polyp cổ tử cung, những ung thư khác đường sinh dục và những ung thư từ nơi khác di căn đến.

Phân loại

Dựa vào sự tiến trên trên lâm sàng của bệnh, giai đoạn của mô bệnh học và tổn thương ung thư có xâm lấn xuống đến cổ tử cung hay không.

- Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ

- Giai đoạn 1: Khối u giới hạn ở niêm mạc tử cung; xâm lấn dưới 1/2 bề dày niêm mạc tử cung; xâm nhập trên 1/2 bề dày niêm mạc tử cung.

- Giai đoạn 2: Chỉ xâm lấn đến lớp biểu mô tuyến của ống cổ tử cung; xâm lấn đến lớp đệm cổ tử cung.

- Giai đoạn 3: Khối u xâm lấn ra tới lớp thanh mạc, hoặc phần phụ, dịch ổ bụng có tế bào ung thư; di căn tới âm đạo; di căn tới thành chậu hoặc tới hạch cạnh động mạch ổ bụng.

- Giai đoạn 4: Khối u xâm lấn vào bàng quang hoặc niêm mạc ruột; Di căn xa, bao gồm cả vào trong ổ bụng hoặc vào hạch bẹn.

5. Điều trị ung thư niêm mạc tử cung

Phẫu thuật và tia xạ là 2 biện pháp điều trị chính

- Giai đoạn 1: Cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ là lựa chọn đầu tiên

- Giai đoạn 1 - 3: Trước hết phải vét hạch nếu hạch dương tính. Xạ trị sau mổ.

Bác sỹ sản khoa bật mí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư niêm mạc tử cung - Ảnh 4

Điều trị tia xạ bổ sung

- Giai đoạn 1: Giảm tỉ lệ tái phát vùng âm đạo từ 3-5% sau mổ xuống 1-3%.

- Giai đoạn 2: Cắt tử cung và hai phần phụ, vét hạch chậu, tia xạ trước mổ, sau mổ tia xạ ngoài tiếp.

- Giai đoạn 3: Cắt tử cung hoàn toàn rộng và hai phần phụ, nếu khối u to, thâm nhiễm không thể lấy hết được thì lấy bỏ phần khối u, sau là tia xạ ngoài.

- Giai đoạn 4: Cắt bỏ hết tử cung, vòi tử cung và 2 buồng trứng nếu có thể. Sau đó là điều trị tia xạ và hormone. Những trường hợp ung thư niêm mạc tử cung không thể phẫu thuật hoặc tia xạ thì có thể điều tị progesteron kéo dài (trên 3 tháng) tiêm hàng ngày.

6. Những tiên lượng được cảnh báo

Sống sau 5 năm với giai đoạn 1 là 75 - 95%, khoảng 90% các trường hợp tái phát xảy ra trong khoảng thời gian dưới 5 năm.

Đối với giai đoạn 2, tỉ lệ này là 50 - 60%, giai đoạn 3 là khoảng 30% và giai đoạn 4 là khoảng 5 - 10%.

8 giải pháp chữa mất ngủ kiểu Ấn Độ không chỉ giúp bạn ngủ sâu, làm đẹp da mà còn đem lại nhiều lợi ích khác

Chỉ cần điều chỉnh thói quen tắm, bổ sung những đồ uống có sẵn trong nhà dưới đây, bạn sẽ tự chữa mất ngủ thành công mà không cần đụng đến một viên thuốc nào.

TIN MỚI NHẤT