8 lý do khiến cha mẹ… ghét con

Ngắm con yêu mỗi ngày 16/01/2019 05:30

Đối với các bậc cha mẹ, lúc nào họ cũng muốn những điều tốt nhất cho đứa con của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có những ông bố bà mẹ cảm thấy mình không yêu con, thậm chí tệ đến mức là cảm thấy ghét… con. Vì sao lại xảy ra nghịch cảnh đó?

Yêu thương như là nguồn dinh dưỡng cho đứa trẻ

Tình yêu thương của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định sự phát triển độc đáo của một đứa trẻ. Ngược lại, khi đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, chúng có thể gặp những bất lợi trong quá trình phát triển, có thể phải mang những nỗi đau về tâm lý trong suốt cuộc đời.

8 lý do khiến cha mẹ… ghét con - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Một nụ cười hoặc cái nhìn thân thiện của cha mẹ truyền tải sự đồng cảm và hài hước, sự gần gũi bằng những cái ôm, những cái nắm tay, tôn trọng và ân cần, dịu dàng và ấm áp trong đối xử; sẵn sàng trở thành một người bảo vệ duy nhất của đứa trẻ, có khả năng điều chỉnh những phản ứng, cảm xúc của mình để làm hài hòa và phù hợp với giai điệu cảm xúc của đứa trẻ. Trong giai đoạn trứng nước, các tương tác hài hòa giữa em bé và mẹ (hoặc người chăm sóc chính) đặc biệt quan trọng vì điều đó sẽ cung cấp cho em bé môi trường cần thiết cho việc học cách điều chỉnh cảm xúc và phát triển sự đồng cảm.

Tuy nhiên, theo quan sát từ các gia đình, TS Robert W Firestone đã nhận thấy có không ít các ông bố bà mẹ dường như vô cảm, không hài lòng với đứa con của mình hoặc có những ứng xử có hại cho đứa trẻ mặc dù trong thâm tâm, họ luôn cho rằng mình yêu con và mong muốn những điều tốt nhất cho con của họ.

8 lý do khiến cha mẹ không cảm thấy yêu con

Theo TS Robert W Firestone, có 8 lý do khiến cha mẹ không cảm thấy yêu thương được đứa con của mình.

1. Đầu tiên đó là những cha mẹ sống tiêu cực, có một hình ảnh bản thân tiêu cực và họ đã mở rộng ý nghĩ đó sang những đứa con.

Nếu họ không thể yêu bản thân, hoặc đã phát triển một quan niệm tiêu cực về bản thân và cơ thể của họ, mở rộng sự tiêu cực này sang đứa con của họ thì những người đó không thể truyền tình yêu cho những đứa con của mình. Nói chung, những người không thực sự yêu bản thân thì họ cũng không có khả năng yêu thương người khác, đặc biệt là con cái. Bởi thực tế, họ có quá nhiều khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác, đặc biệt là trên những đứa con của mình.

2. Cha mẹ chưa trưởng thành trong vai trò làm cha mẹ, họ xem con cái như một gánh nặng quá tải và là điều không mong muốn của họ.

Họ thấy việc phải chịu trách nhiệm chăm sóc với quá nhiều đòi hỏi trong sự phát triển của đứa con khiến cho họ cảm thấy bất an, phẫn nộ.

3. Nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc biểu hiện những cử chỉ và lời nói yêu thương trực tiếp lên đứa trẻ. Nguyên nhân là bởi họ đã trải qua những tổn thương trong những năm phát triển. Điều đó đã gây nên những khó khăn cho họ trong việc chấp nhận tình yêu và sự thân mật từ con cái. Đối mặt với nỗi đau tình cảm quá khứ, cha mẹ sẽ vô thức xa cách con mình.

4. Cha mẹ có những tổn thương chưa được giải quyết trong cuộc sống của chính họ. Đó là lý do khiến những bậc cha mẹ đó có xu hướng ứng xử sai với con cái. Họ có thể có hai cách phản ứng đối lập nhau, đó là khước từ phủ nhận đứa con hoặc bù đắp quá mức cho đứa trẻ. Cả hai kiểu phản ứng này đều không phù hợp trong nuôi dạy con.

Ví dụ, một người cha không thể chịu đựng được tiếng khóc của con mình vì nó gợi nhắc về những nỗi buồn đau thời thơ ấu của anh ta. Đây là một cách khước từ đứa trẻ. Một phụ huynh khác có thể kìm nén nỗi đau của con mình theo cách ngược lại bằng cách an ủi và bảo vệ chúng quá mức. Thông thường, mỗi một đứa trẻ chúng luôn có khả năng “tiêu hóa” cao hơn khả năng phòng thủ của cha mẹ. Một người càng tự bảo vệ mình, người đó sẽ càng thực hiện sự phòng vệ của mình đối với đứa trẻ và dần dần không nhận thức đúng về đứa trẻ và khuyến khích sự phát triển lành mạnh ở chúng.

5. Việc có con nhắc nhở cha mẹ rằng thời gian đang trôi qua, khiến cho cha mẹ có xu hướng gia tăng sự lo lắng của mình về cái chết. Điều này có thể gây căng thẳng, thậm chí gây nên sự phẫn nộ ở cha mẹ. Để trốn tránh hoặc bảo vệ mình khỏi cảm giác lo lắng này, cha mẹ đã trực tiếp hoặc gián tiếp trút lên cho con cái của mình.

6. Cha mẹ có xu hướng sử dụng con cái của mình như một sự nối tiếp cho sự “bất tử” về huyết thống, dòng họ của mình. Để phục vụ mục đích này, không ít bậc cha mẹ đã áp đặt cách sống của mình lên đứa trẻ. Nếu đứa trẻ hành động khác đi, thậm chí đứa trẻ tỏ vẻ độc lập sớm liền bị cha mẹ cho là cứng đầu và nổi loạn.

7. Sự khao khát được chăm sóc yêu thương của cha mẹ từ thủa nhỏ đã khiến họ tập trung những ham muốn mạnh mẽ này vào con cái mình.

Những ông bố bà mẹ này thường nhầm lẫn giữa cảm giác mạnh mẽ của khao khát, chiếm hữu con cái với những cảm giác yêu thương chân thật. Những đứa trẻ được chăm sóc bởi một phụ huynh “đói khát và thiếu thốn” này sẽ không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Chúng không cảm thấy được an toàn. Cách yêu thương của những ông bố bà mẹ chưa trưởng thành này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy kiệt sức hơn là việc chúng đang được cha mẹ nuôi dưỡng. Kiểu cha mẹ này sẽ khiến trẻ có cảm giác bị mắc kẹt hoặc nghẹt thở bởi những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống sau này. Khi trưởng thành, họ có thể trải qua tình cảm là nỗi đau về thể xác hoặc tâm lý.

8. Do cách nuôi dạy con không đầy đủ hoặc có vấn đề, nhiều trẻ em phát triển những đặc điểm không thể chấp nhận được hoặc không thể chịu đựng được. Chúng có thể trở nên ngang ngược, thách thức, không vâng lời, đáng ghét, đòi hỏi, thù địch hoặc nói chung là khó chịu. Mặc dù nguyên nhân của những hành vi khó ưa này có nguyên nhân từ việc nuôi dạy con của mình nhưng những bậc cha mẹ này cảm thấy đứa con thật khó yêu, thậm chí là… đáng ghét.

Tóm lại, hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều cảm thấy rằng họ yêu con cái của họ. Nhưng những gì xẩy ra trong nội tâm của những người làm cha làm mẹ có tác động rất lớn đến con cái của mình. Ý định tốt không thôi chưa đủ, bởi con cái cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu của một người trưởng thành và khỏe mạnh.

Bí mật trong cách dạy con hạnh phúc, thành công không cần đòn roi

Nuôi dạy con trở thành 1 đứa trẻ hạnh phúc và thành công là mong ước của mọi cha mẹ. Nhưng làm thế nào để việc đó trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả mà không làm tổn thương con bằng đòn roi.

TIN MỚI NHẤT